Việc triển khai hay không triển khai tiếp dự án mỏ sắt Thạch Khê đang có ý kiến trái chiều từ các bộ, ngành |
Liên quan tới số phận mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), trong công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 7 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị dừng triển khai dự án do lo ngại về khả năng tài chính của chủ đầu tư và tác động tới môi trường như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ; ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh...
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Công Thương phản bác lại cho rằng, cần phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam.
Bên cạnh đó, phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác.
Thiệt đơn, thiệt kép
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009, với sự tham gia của các cổ đông như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng công ty Sông Đà...
Để thực hiện dự án này, tính đến cuối năm 2016 sau khi cơ cấu lại các cổ đông góp vốn, số tiền đã được rót vào dự án lên tới gần 1.600 tỷ đồng. Khoản tiền chủ yếu được chủ đầu tư thực hiện các hạng mục như thiết kế kỹ thuật, địa chất, trắc địa môi trường và rà bom mìn; mua sắm máy móc thiết bị kỹ thuật; nộp ngân sách nhà nước...
Nếu dự án dừng triển khai, khoản đầu tư này sẽ khó có cơ hội hoàn vốn.
Trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ hôm 13/7/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu ra hàng loạt hệ luỵ do việc dừng dự án từ năm 2011 đến nay. Trong đó chỉ ra rằng, về phía chủ đầu tư, nếu dừng dự án, tổng chi phí đã bỏ ra sẽ chậm có cơ hội hoàn vốn, đồng thời lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị đã đầu tư.
Đáng lưu ý, văn bản này cũng cho biết, địa phương và vùng phát triển dự án mỏ sắt Thạch Khê không thể thu hút đầu tư dự án khác trên diện tích đã quy hoạch do dự án và cơ sở hạ tầng đầu tư tại vùng dự án hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, một số dự án khu tái định cư đầu tư dở dang, gây lãng phí.
Đối với người dân, các hộ dân đã được di chuyển đến khu tái định cư và các hộ dân chưa giải quyết tái định cư đều bị ảnh hưởng, nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, mất niềm tin người dân nếu như địa phương không sớm công bố rõ về quan điểm và hướng triển khai dự án. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, số hộ bị ảnh hưởng là 2.919 hộ, không được cấp đất mới, không được tách hộ, 3 - 4 thế hệ cùng ở trong một nhà.
Không thể nói dừng là dừng
Nhiều báo cáo phân tích từ phía chủ đầu tư chỉ ra rằng, trong điều kiện đảm bảo triển khai khả thi, dự án sẽ góp phần cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước theo Quy hoạch ngành đã được phê duyệt, giảm nhập khẩu quặng sắt, phôi thép từ nước ngoài, đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển, giải quyết việc làm trực tiếp khoảng 3.500 lao động.
Trên thực tế, dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011), sau đó, từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ đồng, chủ đầu tư đã điều chỉnh giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 6.700 tỷ. Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án này giảm khoảng 2.300 tỷ đồng.
Theo phân tích của TIC, ngay cả với tổng mức đầu tư là 14.517 tỷ đồng, dự án cũng có thời gian hoàn vốn chỉ khoảng 9,5 năm. Hiệu quả kinh tế của dự án đã tính với giá bán quặng sắt bình quân là 50 USD/tấn và phân tích độ nhạy với biến động giảm giá bán quặng sắt là 6% và tăng tổng mức đầu tư lên 30% thì dự án vẫn có hiệu quả. Với giá nhiên liệu thấp hơn tại thời điểm phê duyệt dự án, giá quặng sắt khoảng 70-80 USD/tấn > 50 USD/tấn, do vậy hiện tại dự án có hiệu quả cao hơn.
Thậm chí, hiệu quả kinh tế sau khi điều chỉnh vốn đầu tư được cập nhật tháng 3/2017 cao hơn so với phê duyệt từ năm 2014. Theo đó, tổng mức đầu tư giảm còn 12.192 tỷ đồng/14.517 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn giảm xuống chỉ còn 7,5 năm.
Không chỉ mang lại lợi ích cho riêng chủ đầu tư, dự án này còn đảm bảo hiệu quả xã hội thể hiện ở con số hàng năm nộp ngân sách trung bình giai đoạn I là 2.000 tỷ đồng/năm (công suất 5 triệu tấn/năm). Trong giai đoạn II, thu ngân sách có thể đạt 4.000 tỷ đồng/năm với công suất dự án 10 triệu tấn/năm, tổng các khoản thuế phí của dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng; ngoài ra, còn các khoản thuế, phí khác như: thuế thu nhập, tiền thuê đất,... Góp phần tăng GDP từ 0,3 – 1%.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động cho tỉnh Hà Tĩnh |
Dự án cũng góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân khu vực lân cận dự án thông qua kinh doanh dịch vụ, thương mại, phụ trợ…; giải quyết việc làm cho 3.490 lao động trực tiếp của dự án, chủ yếu là lao động tại địa phương.
Sau đề xuất dừng dự án, trao đổi với báo chí, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phân tích: “Khi nhóm tư vấn của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh lập ra, trong đó có tôi, làm việc với tỉnh, tôi đã trao đổi việc dừng hay làm tiếp cần có những nghiên cứu kỹ khoa học về 4 mặt bao gồm hiệu quả kinh tế, lợi ích doanh nghiệp, vấn đề môi trường và lợi ích cộng đồng dân cư. Tại cuộc họp, tôi đã đề nghị Hà Tĩnh chưa nên có quyết định vội vàng là dừng hay làm mà nên dành thời gian khảo sát".
Dù thể hiện quan điểm cần phân tích thêm trước khi nói dừng hay làm dự án nhưng GS Nguyễn Mại cũng nhấn mạnh: "Không nên lấy lý do không có vốn để khai thác vì nếu có hiệu quả vay ở đâu chẳng được. Vấn đề đặt ra là khai thác có lợi về mặt kinh tế, xã hội, môi trường hay không”.
Vị chuyên gia cũng cho rằng: “Vì đây là dự án làm rồi nên phải tính lợi ích của doanh nghiệp, họ bỏ ra mấy nghìn tỷ, trong đó có một phần của doanh nghiệp nhà nước là TKV, một phần của doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp tư nhân".