Năm một nghìn chín trăm bảy mươi tám, Chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi là một người lính, đó cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân lên Sơn Trà.
Như yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, như thương nhau sắp đặt duyên phận, Sơn Trà chiếm lĩnh trái tim tôi lúc nào không rõ. Chỉ biết là cho đến tận bây giờ, vẫn còn đó mùi của núi rừng, mùi của cơn gió phóng khoáng, mùi của sự hùng vĩ của khí phách nước non vẫn nồng đượm chưa từng nhạt phai.
1. Nhiều hôm rồi tôi đọc báo, thấy nhà báo loan tin về những dự án đang được triển khai trên bán đảo Sơn Trà có dự án còn chưa được cấp phép với những hình ảnh một góc Sơn Trà trơ trụi tán xanh chỉ còn màu đỏ au của đất. Thú thật là tôi có cảm giác ai đấm vào trái tim mình một đấm rất mạnh, một đấm rất đoạn tình.
Trước khi báo giới xôn xao về những dự án này, tôi đã hơn lần thăm lại Sơn Trà của riêng tôi. Sơn Trà những lần ấy cũng đã xác xơ nhiều với những cụm resort ven biển, với những khu nghỉ dưỡng. Nhưng rồi tự an ủi mình, có phát triển nào lại không đánh đổi ít nhiều, ký ức cũng không thể quan trọng bằng sự phát triển chung được.
Vậy mà, có vẻ như càng ngày chúng ta lại càng chỉ nhìn thấy duy nhất sự phát triển với nỗi sốt ruột không có giới hạn, bất chấp tính bền vững mới là chủ đạo cho những kế hoạch đi lên.
|
Xin kể một chuyện riêng, cách đây mấy năm, tôi có ngồi với một cá nhân chuyên về kinh doanh, một cá nhân tầm cỡ về tiềm lực kinh tế. Vui chuyện, tôi có hỏi nghe bảo cháu muốn đầu tư vào Sơn Trà. Cá nhân này gạt phắt nói, cháu đâu có dại mà chạm vào cái bàn thiêng của người Đà Nẵng. Cụm từ, cái bàn thiêng này thật đúng biết bao mặc dù nội hàm của cụm từ ấy vẫn chưa bao tỏa hết sự quan trọng của bán đảo này.
Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 phân tích, “Bán đảo Sơn Trà không chỉ là lá phổi xanh của TP Đà Nẵng mà nơi đây còn là khu vực phòng thủ quan trọng. Nếu các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng cấp phép cho các đơn vị đầu tư dự án thì phải giám sát chặt chẽ, đặc biệt vị trí của dự án phải nằm bên dưới độ cao 30 m tính từ đường Yết Kiêu lên núi. Ở khu vực từ 30 m trở lên là tuyệt đối không được xây dựng bất cứ công trình nào vì sẽ ảnh hưởng đến việc tác chiến của quân đội”.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP Hội An cũng rất bức xúc về những dự án trên bán đảo Sơn Trà, tôi nghĩ cần phải trích nguyên lời của ông được chuyển tải trên Báo Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông để quý anh chị hiểu rõ hơn về tầm vóc của Sơn Trà: “Rừng Sơn Trà có gần 1.000 loại cây đặc hữu và 1.000 loài động vật sống ở đó. Mọi loài động, thực vật ở Sơn Trà, dù con voọc chà vá chân nâu hay con khỉ, con trăn... thì đều tạo ra sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống và sự phát triển của cả vùng bắc sông Thu Bồn, bao gồm cả Đà Nẵng và Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam).
Thứ hai, bản thân rừng Sơn Trà là “máy điều hòa” khí hậu cho cả TP Đà Nẵng. Cùng với núi Hải Vân thì vào mùa lạnh, rừng Sơn Trà còn có chức năng ngăn không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào. Mùa hè, rừng Sơn Trà cũng giúp Đà Nẵng bớt nóng vì che chắn gió Lào từ ngoài đèo Hải Vân đổ vào.
Nếu không có mũi Sơn Trà và cù lao Chàm thì gió nóng, gió lạnh thổi tốc luôn cả Đà Nẵng, Hội An. Như vậy, nếu cày hết rừng Sơn Trà thì hủy diệt môi trường sống của cả vùng bắc sông Thu Bồn chứ không riêng gì bán đảo Sơn Trà hay TP Đà Nẵng.
Điểm thứ ba càng lớn hơn, xét cho cùng thì Sơn Trà là một trong những “linh khí” của Đà Nẵng và Quảng Nam. Hiện dư luận đang nói nhiều về voọc chà vá chân nâu, đây là một loài linh trưởng rất đẹp, có nguy cơ bị tuyệt chủng nên được đưa vào Sách đỏ Việt Nam để bảo vệ.
Nhưng Sơn Trà không chỉ có voọc chà vá mà Sơn Trà còn có hàng loạt vấn đề lớn. Trong đó có vấn đề quốc phòng an ninh, chiến lược phòng thủ quốc gia. Không chỉ trong thời kỳ hiện nay mà bất cứ với thời kỳ nào thì Sơn Trà cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, là nơi trấn ải trong chiến lược phòng thủ ở Biển Đông của đất nước này.
Còn xét về mặt kinh tế, hiện có một loạt dự án, cứ cho là 20 dự án, lên Sơn Trà. Số dự án đó lên, ngoài việc phá rừng ra thì ai là người hưởng lợi từ Sơn Trà? Chỉ có 20 dự án đó hưởng lợi thôi. Đưa tất cả các dự án đó lên Sơn Trà thì chỉ nộp thuế, còn toàn bộ tiền lãi họ bỏ túi hết, dân không được hưởng một cái gì, mà cũng không ai lên được Sơn Trà cả vì các dự án đó chiếm hết rồi.
Còn nếu giữ được Sơn Trà và tổ chức du lịch theo kiểu sinh thái, gần gũi thiên nhiên, bảo vệ môi trường thì nhân dân Đà Nẵng sẽ hưởng lợi. Tức là du khách ở dưới này lên Sơn Trà ngắm cảnh, thưởng ngoạn một ngày đêm gì đó rồi quay xuống. Như vậy thì người dân bán được chai nước, gói thuốc, miếng ăn, xe taxi chở được, xe ôm chở được...
Nếu Sơn Trà bị cày trụi thì không chỉ dân Đà Nẵng mà dân Hội An, Điện Bàn cũng “chết” theo. Còn giữ được Sơn Trà với các loài động, thực vật ở đó, khách đến ngủ ở Hội An một ngày, chạy lên tham quan Sơn Trà thì còn quay về ở Hội An thêm được một ngày nữa. Nếu các dự án chiếm hết trên đó thì lấy chỗ đâu cho họ lên?
Cũng như có cù lao Chàm thì khách đến Đà Nẵng ra cù lao Chàm ở một ngày, tối vô Đà Nẵng ở lại để mai ra sân bay. Như vậy Đà Nẵng cũng hưởng lợi, nếu không có cù lao Chàm thì Đà Nẵng đâu có được thêm ngày khách đó.
|
Nên tôi nói vấn đề Sơn Trà là vấn đề của cả vùng bắc sông Thu Bồn là vì vậy. Và xét về góc độ kinh tế thì tôi thấy việc đưa hàng loạt dự án du lịch lên Sơn Trà cũng là một sai lầm, mà phải để Sơn Trà cho cộng đồng hưởng lợi từ tài nguyên của trời đất ban tặng cho họ chứ không phải ban tặng cho nhà đầu tư mấy dự án đó”.
Sở dĩ ông Nguyễn Sự phản ứng mạnh mẽ như vậy là vì trước đó đoàn công tác của Tổng cục Du lịch khi họp giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà do ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã có những phát ngôn hết sức thiếu chuyển mực.
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thuật lại nội dung và phát ngôn của ông Hà Văn Siêu như sau: “Chúng tôi đã mời các thành viên của Tổng cục Du lịch cùng đi xem voọc chà vá chân nâu nhưng các anh từ chối, trả lời là chưa anh nào thấy voọc và không cần nhìn thấy voọc thì vẫn làm được quy hoạch.
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã kiến nghị tiếp tục điều chỉnh quy hoạch Sơn Trà theo hướng bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ an ninh - quốc phòng và bảo vệ được báu vật Sơn Trà của nhân dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch (dẫn đầu đoàn công tác là ông Hà Văn Siêu - Tổng cục phó) vẫn giữ quan điểm không điều chỉnh quy hoạch và tiếp tục triển khai.
Chúng tôi kiến nghị Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo gồm các nhà khoa học, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tại Đà Nẵng để thu thập toàn bộ ý kiến của công luận nhưng họ từ chối”.
Thật buồn vì tư duy quy hoạch phục vụ du lịch chỉ ngồi bàn giấy nhìn bản đồ này, với phong cách ấy thì làm sao có thể tham mưu cho lãnh đạo để những quy hoạch sát với thực tế hơn để không phá vỡ tổng quan chung.
2. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xem xét giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà. Tôi tin rằng Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết định đúng đắn, bởi Thủ tướng là người hiểu rõ Sơn Trà hơn ai hết. Một người con của Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ am tường những điều mà không cần nghe báo cáo đã sẵn có câu trả lời của riêng mình.
Trên thực tế, việc quy hoạch phát triển ở những địa điểm mà chúng ta may mắn được thiên nhiên ban tặng cần hết sức cẩn trọng. Bởi đó là phần mà chúng ta để dành cho cháu con.
Xây một khu nghỉ dưỡng, xây một cụm resort mất vài năm, nhưng để hình thành một vùng đất đẹp mẹ thiên nhiên đã phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm. Quan trọng hơn, việc tác động vào những nơi ấy là tác động một chiều, nghĩa là hoàn toàn không có khứ hồi, nghĩa là hoàn toàn không thể phục dựng hay trả lại nguyên trạng ban đầu.
Chính vì lẽ đó, tôi khẩn thiết mong lãnh đạo hết sức cẩn trọng và xem xét toàn bộ câu chuyện bán đảo Sơn Trà một cách hợp tình, hợp lý, khoa học. Bởi chúng ta sẽ còn phải trả lời với hậu thế về những vấn đề của hôm nay.
Không phải giữ gìn cho hậu thế những tán xanh, những khu rừng, một vùng đất chính là trách nhiệm của chúng ta hôm nay hay sao?
Tác giả: Huỳnh Trường Sơn
Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân