Sông Đà Thăng Long từ những dự án đình đám đến khoản lỗ nghìn tỷ

Lợi Trần
Trung bình mỗi cổ phiếu của Sông Đà Thăng Long hiện phải "cõng" khoản nợ hơn 480.000 đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đưa toàn bộ 15 triệu cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long vào diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM. Nguyên nhân được HNX đưa ra là vốn chủ sở hữu trên báo cáo kiểm toán năm 2015 của công ty đã bị âm tới 2.206 tỷ đồng. Việc hạn chế sẽ chỉ được hủy bỏ khi doanh nghiệp khắc phục được việc thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nói trên.

Đây là hệ quả sau một thời gian dài Sông Đà Thăng Long bị thua lỗ triền miên. Dù từng là một trong những cổ phiếu hấp dẫn trên thị trường với mức giá giao dịch xấp xỉ 90.000 đồng (năm 2010), song suốt cả năm nay, giá STL chỉ dao động quanh mức 2.000-4.000 đồng.

Được thành lập từ cuối năm 2006 từ một chi nhánh của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khai thác các dịch vụ về nhà ở, khu đô thị... Với xuất thân gia đình có nhiều người từng nắm giữ vai trò lãnh đạo tại những doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản, ở tuổi ngoài 30, ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT Sông Đà Thăng Long khi đó được coi là một trong những doanh nhân trẻ, có "máu mặt" trên thị trường.

 

Sông Đà Thăng Long đã huy động hàng nghìn tỷ của khách hàng tại dự án Usilk City nhưng đa số các tòa nhà tại đây vẫn chưa được bàn giao. Ảnh: Ngọc Tuyên


Chỉ hơn vài tháng sau khi thành lập, STL khởi công Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) - dự án đầu tay của đơn vị này, rộng gần 24ha gồm 6 tòa chung cư và gần 1.000 căn biệt thự, liền kề cùng các hạng mục hạ tầng khác như trung tâm thương mại, trường học.... Không lâu sau đó, tháng 9/2008, cổ phiếu của doanh nghiệp được niêm yết trên sàn Hà Nội với mã STL và nhanh chóng trở thành mã được giới đầu tư săn đón. Cùng lúc, doanh nghiệp khởi công tổ hợp Usilk City, gồm 13 khối chung cư cao cấp 25-50 tầng với trên 3.000 căn hộ, diện tích 9,2ha. Tổng mức đầu tư của dự án được công bố cũng lên tới 10.000 tỷ đồng mặc dù khi đó vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ là 150 tỷ. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, thay đổi bộ mặt của quận mới Hà Đông.

Thời kỳ phát triển đỉnh cao của STL là vào năm 2008 - 2010, công ty đầu tư hơn 20 dự án bất động sản, vật liệu xây dựng… trải khắp từ Bắc vào Nam như Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng, Nha Trang, Phú Yên, TP HCM. Khi đó, Sông Đà Thăng Long là một tên tuổi khá đình đám trong ngành bất động sản bởi tuy mới thành lập nhưng đã được giao làm chủ đầu tư những dự án lớn ở nhiều tỉnh, thành.

Đó cũng là nguyên nhân khiến dự án Usilk City trở thành một trong những dự án gây sốt trên thị trường Hà Nội những năm 2008-2010. Thậm chí, có thời điểm thị trường “nóng”, chỉ trong vòng một tháng, giá nhà tại dự án đã được chủ đầu tư tăng tới 3 lần. Chủ đầu tư cam kết bàn giao các căn hộ trong năm 2012-2013.

Tuy nhiên, từ năm 2011, khi thị trường bất động sản chao đảo, hoạt động của STL bắt đầu bộc lộ những điểm yếu. Các dự án của doanh nghiệp tuy đã huy động tiền của khách hàng nhưng không thể triển khai đúng tiến độ. Suốt từ cuối năm 2012, hàng trăm khách hàng mua dự án Usilk City nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan quản lý kêu cứu về tình trạng "đắp chiếu" và không bàn giao đúng tiến độ mặc dù chủ đầu tư đã huy động của khách hàng hơn 4.000 tỷ đồng. Việc khiếu kiện đến nay vẫn chưa kết thúc.

Không riêng Usilk City, nhiều dự án khác của Sông Đà Thăng Long cũng dang dở như Dragon Pia, Cồn Tân Lập, Uplaza (Nha Trang), Trương Đình Hội II (TP HCM)…

Báo cáo tài chính đã được kiểm toán các năm cho thấy, doanh thu của Sông Đà Thăng Long sụt giảm mạnh từ mức 2.017 tỷ đồng (năm 2010) xuống còn một phần mười những năm sau đó. Đặc biệt, cả năm 2015 thì con số này chỉ đạt chưa đầy 30 tỷ.

Ở giai đoạn đỉnh cao, STL từng đạt những con số doanh thu khủng nhưng lợi nhuận sau thuế lại khá khiêm tốn khi chưa năm nào đạt trên 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số lợi nhuận dương cũng chỉ được Sông Đà Thăng Long duy trì đến hết năm 2011, còn khoảng thời gian sau đó là những năm dài lỗ triền miên và số lỗ ngày càng lớn. Sau thời gian dài kinh doanh bết bát, giữa năm 2013, cổ phiếu STL bị yêu cầu hủy niêm yết trên HNX do lỗ lũy kế tính đến giữa năm 2012 (176 tỷ đồng) lớn hơn vốn điều lệ thực góp là 150 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên tới gần 2.400 tỷ đồng.

Doanh thu sụt giảm, lợi nhuận liên tục ở mức âm, song các khoản vay của Sông Đà Thăng Long lại tăng với tốc độ phi mã, đặc biệt là nợ ngắn hạn. Cuối năm 2015, nợ phải trả của đơn vị này là hơn 7.220 tỷ đồng, trong đó riêng nợ ngắn hạn vào khoảng 5.800 tỷ. Như vậy, trung bình mỗi cổ phiếu của Sông Đà Thăng Long phải "cõng" trên vai khoản nợ lên tới trên 481.000 đồng.

Từ khi bước chân vào thị trường chứng khoán, duy nhất năm 2010 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% mệnh giá. Các năm sau, doanh nghiệp không chia cổ tức do kinh doanh thua lỗ kéo dài. Nghĩa vụ với Nhà nước cũng không được thực hiện khiến Sông Đà Thăng Long liên tục có trong danh sách nợ thuế.  

Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Trí Dũng từng thừa nhận nguyên nhân của tình trạng kinh doanh lao dốc là công ty đã đầu tư dàn trải khi phát triển các quỹ đất khác để kỳ vọng tương lai còn "hoành tráng" hơn. Thị trường bất động sản gặp khó khiến "ước mơ không được thỏa mãn".

Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính nhận định, nguyên nhân chính khiến STL "sa lầy" là do tiềm lực tài chính yếu, chủ yếu trông chờ tiền huy động từ khách hàng hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính để theo đuổi những dự án lớn. "Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong giai đoạn khủng hoảng nhưng họ vẫn vực dậy được, còn Sông Đà Thăng Long thì càng ngày càng sa sút", vị này nhận định.

2 năm gần đây, để cứu vãn tình hình, STL đã bán hoặc hoãn triển khai một số dự án, công trình để thu hồi vốn, cơ cấu lại các khoản nợ. Trong Đại hội cổ đông thường niên vừa được tổ chức sau nhiều lần hoãn, STL đặt mục tiêu doanh thu 330 tỷ đồng, gấp 11 lần so với mức thực hiện năm 2015. Con số lợi nhuận được bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, để tìm một lối thoát cho Sông Đà Thăng Long là rất bế tắc bởi tình hình tài chính của doanh nghiệp rất xấu nên khó có thể huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, chi phí tài chính từ các khoản nợ cũ lớn, khách hàng mất niềm tin nên sẽ không tiếp tục nộp tiền...

Tác giả bài viết: Ngọc Tuyên