Giáo dục

Suốt 12 năm học chỉ có mỗi kỳ thi tốt nghiệp, sao lại bỏ nốt đi?

“Nếu không kể kì thi chuyển cấp vào một số trường THPT có chất lượng ở một số địa phương thì thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi duy nhất mà học sinh phải trải qua suốt từ lớp 1 đến lớp 12”, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay.

Vừa qua, trong buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết tới đây bộ sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

thay thuyet
GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa , Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay: “Về việc tổ chức các kỳ thi sau THPT, từ trước tới nay, tôi vẫn luôn đề nghị tách kỳ thi tốt nghiệp THPT với việc tuyển sinh ĐH, CĐ vì đó là hai việc có hai mục đích khác nhau: Một đằng là so sánh học sinh với chuẩn, ai đạt chuẩn thì đỗ, không hạn chế số lượng đỗ; một đằng là so sánh học sinh với nhau, ai điểm cao hơn thì đỗ, số lượng học sinh đỗ phải phù hợp với số chỉ tiêu (chỗ học) có hạn.

Trong trường hợp tách riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT cần trao lại việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT và trao việc tổ chức tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Các trường này có thể tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển, thi theo cụm hay thi riêng tùy theo điều kiện của mỗi trường.

Việc giao cho các Sở GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT, giao các trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh là phù hợp với thẩm quyền của các Sở và với quyền tự chủ của các trường.

Hạn chế có thể xảy ra khi thực hiện phương án trường ĐH, CĐ tự quyết định việc tuyển sinh là nếu mỗi trường tổ chức thi vào một đợt khác nhau thì những thí sinh có nguyện vọng thi vào nhiều trường sẽ mất nhiều thời gian để tham dự kỳ thi của tất cả những trường đó. Nhưng mỗi thí sinh sẽ phải tự cân nhắc và quyết định tham dự mấy kỳ thi cho phù hợp với hoàn cảnh của mình”.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm, Bộ GD&ĐT không nên tiếp tục làm thay công việc của cơ sở, đứng ra tổ chức các kỳ thi, vì như vậy không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương.

Hiện có một số ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi không đồng tình với ý kiến này. Chúng ta nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước hết vì nó là dịp để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó có sự điều chỉnh về chính sách cũng như về chương trình, tài liệu dạy học và phương pháp dạy học cho phù hợp. Nếu không tổ chức thi, không kiểm tra làm sao biết được giáo dục đang tồn tại những vấn đề gì mà điều chỉnh?

Lý do thứ hai là việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp sẽ làm giảm động lực học tập của học sinh. Bởi vì nếu không kể kì thi chuyển cấp vào một số trường THPT có chất lượng ở một số địa phương thì thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi duy nhất mà học sinh phải trải qua suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Nay bỏ nốt kỳ thi ấy thì học sinh sẽ học hành thế nào?

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Lơn - nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình cho hay: “Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án nên giao cho Sở GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp và các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh. Bởi lẽ, đã học là phải thi và việc thi tốt nghiệp là hoàn toàn cần thiết".

dh y thai binh
PGS.TS Nguyễn Văn Lơn - nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình

PGS.TS Nguyễn Văn Lơn cũng chia sẻ thêm: "Học sinh cần phải có một tiêu chuẩn bằng bài làm thực tế để đánh giá thực chất lực học của học sinh. Xét tốt nghiệp mang tính chất cảm tính và có nguy cơ xảy ra tiêu cực nhiều nhất khiến học sinh giỏi cũng tốt nghiệp mà yếu cũng tốt nghiệp thì thực sự không được.

Còn các trường được tự chủ tuyển sinh nhằm nâng cao sức cạnh tranh giữa các trường. Chúng ta cần những nhân tài thực sự, làm được việc và cống hiến cho xã hội chứ không phải những cử nhân sau khi ra trường cầm tấm bằng trên tay nhưng không biết làm gì. Chỉ có sự cạnh tranh mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục.

Hơn nữa, khi để các trường tự chủ tuyển sinh đương nhiên các trường phải chịu trách nhiệm về đầu vào cũng như đầu ra của mình. Bên cạnh đó phải thay đổi cách dạy và học, hướng tới nhu cầu của thị trường để nâng cao chất lượng và tự tạo thương hiệu và quan trọng là tránh lãng phí cho xã hội”.

Tác giả bài viết: Hoàng Thanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP