Tái định cư làng chài ở Nghệ An: 4 năm lên bờ nhưng vẫn bí “kế” mưu sinh

Lợi Trần
Cuối năm 2012, cả 68 hộ dân vạn chài ven sông Lam ở xã Đặng Sơn (Đô Lương, Nghệ An) được lên bờ trong niềm hân hoan khôn tả. Tuy nhiên, sau 4 năm, niềm vui ấy lại thành nỗi buồn, bởi nhiều người vẫn phải mượn đất, kéo bè lên ở tạm, thậm chí, không có đất để trồng rau, xây chuồng trại chăn nuôi...
Một gia đình ở khu TĐC không có nhà ở phải trở lại sống trên những con đò. Ảnh: Thạch Quỳnh

4 năm tái định cư lại quay về với sông nước

Từ quốc lộ 7A, đi theo con đường bê tông khoảng 100m là đến khu tái định cư (TĐC) làng chài ở xóm 6, xã Đặng Sơn. Tại đây, những ngôi nhà mái ngói kiên cố, khá khang trang nằm sát nhau nhưng khung cảnh khá vắng lặng. Nỗi khổ của đời sông nước, người dân nơi đây đã nếm đủ và như bao thôn, xóm vạn chài khác họ trầy trật mong ước một mảnh đất cắm dùi. Giấc mơ lên bờ của 68 hộ dân làng chài ở xã Đặng Sơn đã trở thành hiện thực sau nhiều năm chờ đợi. Cuối năm 2012, số hộ dân vạn chài này chính thức có “đất cắm dùi”. Bỏ lại quá khứ nỗi lo thường trực mỗi khi mùa mưa bão đến, tương lai phía trước không đơn thuần là những ngôi nhà mới khang trang mà còn mở ra những cơ hội mới ở xóm mới bên dòng Lam giang. Tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn còn đó những âu lo chưa có lời giải.

Ngồi trên chiếc thuyền mới mua dùng để đánh cá, ông Trần Ngọc Tùng, 54 tuổi chia sẻ: “Chính quyền cho đất làm nhà, không chỉ riêng gia đình tôi mà tất cả các hộ dân ở đây đều từng sung sướng, phấn khởi vì đã ổn định hơn một chút. Bởi không còn phải sống trên sông nước, quanh năm suốt tháng đến mùa mưa lũ vợ chồng, con cái canh cánh nỗi lo lật thuyền. Lại còn có điện thắp sáng, con trẻ được đến trường, những điều mà trước đây ở trên thuyền chúng tôi không dám nghĩ tới”. Không chỉ gia đình ông Tùng, 68 hộ dân vạn chài được chuyển về nơi ở mới tại khu TĐC này cũng chung cảm nhận tương tự.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm chuyển về sống tại khu TĐC, cuộc sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Theo phản ánh của người dân, mặc dù họ đã có chỗ ở mới nhưng ngoài diện tích đất từ 150 - 160m2 với mục đích xây dựng nhà cửa và các công trình phụ thì người dân không có đất để sản xuất nông nghiệp. Thậm chí họ cũng chẳng còn đất để trồng rau, xây chuồng trại chăn nuôi phục vụ cuộc sống tối thiểu hằng ngày của gia đình. Nghịch cảnh này đã khiến họ chỉ còn cách quay lại nghề cũ, mưu sinh dọc theo dòng sông Lam cách đó chừng 4 đến 5km bằng nghề đánh bắt cá, vận tải thủy hoặc khai thác cát, sỏi. “Nhà tôi có 8 khẩu, khi về đây được nhà nước cấp cho 167m2 và 10 triệu đồng tiền hỗ trợ nhưng không có đất sản xuất. Chúng tôi trước là dân vạn chài nên từ khi về đây sinh sống cũng không có nghề nghiệp gì, cuộc sống khó khăn nên chỉ biết quay trở lại sông Lam đánh cá, hút cát thuê”, ông Tùng nói.

 
Có nhà nhưng thiếu đất sản xuất, ông Trần Ngọc Tùng phải sắm thuyền trở lại sông Lam để mưu sinh.

Dân mong có đất sản xuất

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam ra khỏi vùng thiên tai, lũ lụt xã Đặng Sơn do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2010 và bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2012. Cuối năm 2012, 68 hộ dân thuộc diện cần di dời, gồm cả dân vạn chài và những người làm nghề vận tải mưu sinh trên sông Lam. Trong đó có 39 hộ của xóm 6 và 29 hộ ở xóm 7 đã chuyển về đây. Theo dự án, mỗi hộ được cấp 150m2 đất, một giếng nước và hỗ trợ 20 triệu đồng để làm nhà sau khi chủ đầu tư đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, điện thắp sáng và nhà văn hóa. Trong quá trình đi tìm câu trả lời cho việc người dân thiếu đất sản xuất, phóng viên làm việc với ông Hoàng Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn. Ông Tuấn cho biết: “Đến nay, chỗ ở của bà con khu TĐC cơ bản là ổn định nhưng về đất sản xuất, nghề nghiệp của họ vẫn không có gì thay đổi. Qua một số cuộc tiếp xúc cử tri, họ vẫn phản ánh vấn đề thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, đất 5% dự phòng của xã vẫn còn nhưng khi thông báo cho bà con khu TĐC làng chài làm ăn, phát triển kinh tế thì họ không có nhu cầu nhận. Nguyên nhân vì phong tục tập quán của họ không quen sản xuất nông nghiệp vì trước giờ họ chỉ biết lênh đênh sông nước, đánh bắt cá và làm thuê đủ nghề trên sông”.

Cũng theo ông Tuấn, từ khi bà con làng chài về khu TĐC, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho con em họ xuất khẩu lao động; Động viên lao động trẻ đi làm tại các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc; Mở các lớp tập huấn nghề hằng năm để người dân chuyển đổi nghề cho phù hợp như: nghề mộc, đan lát, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Tuy nhiên, do sự hạn chế về ý thức chuyển đổi nghề nghiệp và trình độ sản xuất trên bờ nên việc áp dụng rất khó khăn. Trái ngược với thông tin mà ông Tuấn trao đổi, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương cho biết, hiện nay, sông Lam đoạn chảy qua địa bàn huyện Đô Lương có rất nhiều dân vạn chài sinh sống nên để xây dựng được các khu TĐC làng chài phải cần một nguồn kinh phí rất lớn. Riêng vấn đề đất sản xuất cho người dân khu TĐC làng chài thì cực khó, vì quỹ đất không có. Hiện đất theo Nghị định 64 đã chia hết cho dân và được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cả rồi, may ra có đất để làm nhà tại khu TĐC làng chài ở xã Đặng Sơn là một sự cố gắng của các cấp chính quyền.

Cùng quan điểm với ông Sơn, ông Ngô Văn Lợi, xóm trưởng xóm 6 cho biết: “Dân vạn chài chúng tôi quen sống dưới thuyền, lại là lao động tự do nên khi được Nhà nước cấp đất, cuộc sống của người dân dần ổn định về chỗ ở. Tuy vậy, để quen được với tập quán làm ăn ở trên cạn là một điều hết sức khó khăn. Hơn nữa, dù chuyển lên bờ đã hơn bốn năm nay nhưng bà con vẫn chưa có đất sản xuất. Thêm một vấn đề nữa đến nay chủ đầu tư chưa giải quyết đó là vấn đề tiền hỗ trợ khoan giếng nước ăn. Khi chuyển sang dùng nước giếng khoan, huyện hứa sau này sẽ trả lại tiền giếng, mỗi hộ 2 triệu đồng nhưng đến nay bà con vẫn chưa được nhận”. Từ thực tế nêu trên cho thấy, chủ trương đưa dân lên bờ để giúp dân ổn định cuộc sống là cần thiết. Việc thay đổi môi trường sống và phải làm quen với sinh kế mới là trách nhiệm của người dân. Việc bố trí đất sản xuất cho dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Trừ những người trẻ chưa lập gia đình, còn lại những người có gia đình và lứa tuổi chúng tôi vẫn phải quay lại bám trụ sông nước để kiếm kế sinh nhai. Một là làm cái bè tạm hoặc dùng thuyền nhỏ nhỏ, vừa vừa ra để làm kinh tế, đánh bắt cá chứ về nhà chúng tôi cũng không làm được gì cả vì ở đó chỉ có đất ở thôi”, ông Ngô Văn Lợi chia sẻ.

Tác giả bài viết: Thạch Quỳnh

Nguồn tin: