Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa XIV, Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật giáo dục (Sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 với sự chủ trì của Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Sở GD-ĐT TP HCM |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM– cho rằng việc phân biệt các loại hình trường như hiện nay gồm công lập, dân lập, tư thục là chưa hợp lý. "Việc chẻ nhỏ các trường ngoài công lập là sự phân biệt không rõ ràng, minh bạch", ông Hiếu nói. Do đó, ông đề xuất chỉ nên phân biệt các trường dựa trên nguồn vốn đầu tư: Một là Nhà nước, hai là các cá nhân, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, về quy định vị trí vai trò nhà giáo trong Luật giáo dục (Sửa đổi), Sở từng kiến nghị nhiều lần lên cấp trên rằng nhà giáo phải định nghĩa luôn cả những người làm công tác giảng dạy, giáo dục và quản lý trong các cơ sở giáo dục. Vì lâu nay, quy định chỉ cho rằng nhà giáo phải là người làm công tác giảng dạy, còn thầy cô giáo làm hiệu trưởng, lãnh đạo sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các phòng ban của sở không phải nhà giáo. Trong khi đó, ở nhà trường, hiệu trưởng cũng là nhà giáo. Khi hết nhiệm kỳ, nếu không đủ điều kiện năng lực, tuổi tác thì hiệu trưởng quay lại giáo viên. Do đó, nên bỏ quy định phân biệt hiệu trưởng chỉ là công chức, không được hưởng các khoản, điều ưu đãi như một nhà giáo bình thường. Về mặt hành chính, quy định này cũng không còn phù hợp.
Đồng tình với ý kiến ông Hiếu, bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Hiệu trưởng tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng khi các phòng, sở lấy giáo viên từ các trường lên, họ chuyển qua ngạch công chức không còn giáo viên nữa. Từ đó, quyền lợi, phụ cấp của họ mất hết và trở về lương công chức. Trong khi đó, để được lên phòng, sở, họ phải là những người có năng lực, chuyên môn, chính trị tốt. Vô hình trung, việc thuyết phục các thầy cô lên phòng ban, sở trở nên rất khó khăn.
Bà Thúy cũng cho rằng quy định thầy cô hiệu trưởng là công chức cũng vô lý, đặc biệt đối với trường tiểu học, để được khoản phụ cấp 35% hiệu trưởng, hiệu phó không thể lấy giờ, lấy tiết của giáo viên. Do đó, họ phải tổ chức các hoạt động, câu lạc bộ, hình thức để được dạy học sinh rất bất tiện.
Bên cạnh đó, nữ hiệu trưởng cũng bày tỏ sự lo lắng về chất lượng giáo viên tiểu học tốt nghiệp các trường dân lập. Theo lộ trình, giáo viên tiểu học đến năm 2026 phải có bằng ĐH nhưng vẫn còn nhiều trường dân lập đào tại hệ trung cấp sư phạm tiểu học. Do đó, bà kiến nghị chỉ nên cho các trường ĐH công lập đào tạo sư phạm. "Chúng tôi cảm thấy rất e ngại vì các trường phải trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực đó. Khi đã tuyển dụng được rồi, chất lượng như thế nào các trường không thể can thiệp được?", bà Thúy nói.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo cũng đề xuất lùi thời hạn hoàn thành lộ trình nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên mầm non và tiểu học lần lượt phải có bằng cao đẳng và đại học từ năm 2026 đến năm 2028 hoặc 2030. "Thực hiện gấp rút từ đây đến 2026 liệu có kịp không, có đảm bảo chất lượng? Thành phố thì được nhưng các địa phương khác có ổn? Theo tôi còn nhiều khó khăn trong việc này, còn những người chưa được đào tạo kịp sẽ ra sao?".