Giáo dục

Tăng cường giáo dục kỹ năng, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống nhưng tỉ lệ tai nạn, thương tích trẻ em ở nước ta vẫn còn rất cao, đặc biệt vào dịp nghỉ hè. Điều này đang đặt ra vấn đề, đó là liệu gia đình đã nhận thức đầy đủ việc trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ? Các địa phương, trường học đã chú trọng đến giáo dục kỹ năng cho trẻ khi mà môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, thương tích.

Những ngày hè, xung quanh một số hồ đập ở xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa có khá nhiều trẻ em tụ tập, vui chơi. Các em không lường được sự nguy hiểm của tắm hồ đập cũng như vui chơi gần ao hồ khi thiếu sự kiểm soát của người lớn.

Khu vực hồ đập tại xã Đông Hiếu mà trẻ em thường xuyên tụ tập.


Trẻ thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Tại Khoa chấn thương - chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, mỗi ngày tiếp nhận từ 10 - 15 bệnh nhân. Riêng vào dịp hè, khoa luôn trong tình quá tải giường bệnh .

Nhận định về tình trạng này, Bác sỹ Thái Văn Bình - Trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nói: “Do điều kiện kinh tế xã hội của nhiều hộ gia đình còn khó khăn nên thời gian chăm sóc, bảo vệ trẻ chưa được chu đáo, trẻ dễ gặp những tai nạn ngoài mong muốn. Để giảm thiểu tỉ lệ trẻ bị tai nạn, thương tích cần sự chung tay của toàn xã hội. Ngoài nhà trường giáo dục, các phụ huynh phải hiểu biết, trang bị những kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ.”

Chỉ vì không để ý và thiếu kỹ năng cơ bản trong xử lý, chị Nguyễn Thị Bình đã để đứa con trai 3 tuổi bị bỏng do ngã vào sanh mỡ. Với mức bỏng nặng độ 4, cháu phải phẫu thuật ghép da trong đau đớn. Lý do được chị Bình chia sẻ là do bản thân chị không có kỹ năng sơ cứu khi con bị bỏng. Do vậy khi đưa đến bệnh viện cấp cứu, tình trạng bỏng của con trai trở nên nặng hơn.

Theo thống kê, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 900 nghìn ca trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Mỗi năm, có hơn 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Đây là con số cao nhất khu vực Đông - Nam Á và gấp tám lần so với các nước phát triển. Tại Nghệ An, cứ vào dịp hè có đến hàng trăm trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó tai nạn đuối nước liên tục xảy ra.

Để khắc phục thực trạng này, bà Nguyễn Thị Mỹ Lương - Phó trưởng phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐ – TB & XH cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ cũng các ngành, địa phương chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em, tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông; tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình phòng tránh các nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại, bị bóc lột đưa vào các tệ nạn xã hội; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình cộng đồng an toàn, trường học an toàn, và ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Giáo dục trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình là cách tốt nhất để phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ. Ảnh minh hoạ. Nguồn; Internet.


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 234 về “Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em giai đoạn 2016 -2020”. Trong đó, yêu cầu 100% các tỉnh, thành phố phải triển khai chương trình dạy bơi an toàn thí điểm. Bên cạnh đó, việc nhân rộng sáng kiến trong tổ chức phòng, chống tai nạn, thương tích phù hợp với điều kiện từng vùng cũng đang cần sự quan tâm từ các địa phương cũng như trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Tác giả bài viết: Thanh Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP