Ngày 26/5, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (trụ sở tại Quảng Bình) đã gửi văn bản đến Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước, bày tỏ quan điểm không đồng tình với kết quả lựa chọn nhà thầu thi công gói thầu thuộc dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Phước.
Theo nội dung văn bản, gói thầu có giá trị hơn 880 tỷ đồng được mở thầu công khai qua mạng vào ngày 17/3/2025, với sự tham gia của 5 nhà thầu. Tập đoàn Sơn Hải đưa ra mức giá dự thầu thấp nhất 732,28 tỷ đồng, giúp tiết kiệm 148,44 tỷ đồng cho ngân sách, tương ứng tỷ lệ giảm giá 16,85%.
![]() |
Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước - chủ đầu tư cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước. |
Các nhà thầu khác đưa ra mức giá dự thầu lần lượt như sau: Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4: 800,69 tỷ đồng (giảm 9,09%); Liên danh cao tốc IB2500057961: 804,06 tỷ đồng (giảm 8,70%); Liên danh cao tốc Bình Phước: 836,10 tỷ đồng (giảm 5,07%); Liên danh cao tốc TP.HCM - TDM - CT: 866,46 tỷ đồng (giảm 1,62%).
Tuy nhiên, vào ngày 22/5/2025, chủ đầu tư đã lựa chọn Liên danh cao tốc TP.HCM - TDM - CT nhà thầu có giá dự thầu cao nhất để trúng thầu. Lý do được đưa ra là các nhà thầu khác, bao gồm cả Tập đoàn Sơn Hải, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu.
Trong văn bản kiến nghị, Tập đoàn Sơn Hải khẳng định họ là doanh nghiệp đã thi công nhiều công trình trọng điểm với chất lượng cao và cam kết bảo hành tối thiểu 10 năm cho gói thầu này. Do đó, việc loại bỏ những nhà thầu uy tín, có giá dự thầu thấp hơn, theo Tập đoàn Sơn Hải, là không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu và có thể gây thất thoát ngân sách nhà nước lên tới 113 tỷ đồng.
Tập đoàn nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối quyết định lựa chọn nhà thầu này và sẽ gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Bình Phước để được xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành.”
Trao đổi với báo chí, đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết họ rất bất ngờ khi chủ đầu tư chọn nhà thầu có giá dự thầu cao nhất, trong khi các đơn vị bị loại như Sơn Hải, CIENCO4, Vinaconex, Đèo Cả đều là những nhà thầu có uy tín lớn trong lĩnh vực xây dựng giao thông. Họ cho rằng đây là quyết định không phản ánh đúng năng lực và lợi ích kinh tế cho ngân sách nhà nước.
Theo đại diện này, “chúng tôi đã cam kết bảo hành dài nhất, giá dự thầu thấp nhất và tiết kiệm lớn nhất cho nhà nước nhưng vẫn không được lựa chọn”. Do đó, họ nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình lựa chọn nhà thầu.
Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài khoảng 70 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước, với tổng vốn đầu tư lên đến 25.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 6,6 km, có vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô 4 làn xe, tổng kinh phí 1.474 tỷ đồng (gồm 1.000 tỷ từ ngân sách Trung ương và phần còn lại từ ngân sách địa phương).
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2024 đến 2026. Trong năm 2024, sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư, phê duyệt và lựa chọn nhà thầu; các năm 2025 - 2026 thi công và đưa vào vận hành cuối năm 2026.
Tác giả: Tiểu Vy
Nguồn tin: vietnamfinance.vn