Thanh Hóa: Trả lại tiền môn học kỹ năng sống

Admin
Do phát hiện còn nhiều thiếu sót, tồn tại, gây bức xúc trong dư luận, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã cho tạm dừng môn học kỹ năng sống và yêu cầu các trường học trả lại tiền cho học sinh.

Trước đó, qua thanh tra, kiểm tra của Sở và đơn thư phản ánh, việc triển khai thực hiện Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT tại một số đơn vị, trường học còn thiếu sót, tồn tại gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cụ thể: Vi phạm quy định trong việc dạy thêm, học thêm, ép buộc học sinh tổ chức hoạt động trong giờ chính khóa.

Hơn nữa, các công ty hợp đồng giáo viên ngay tại trường, liên kết dạy học sinh mình phụ trách. Công tác quản lý hồ sơ thu, chi tài chính chưa đúng quy định; không thực hiện công khai tài chính theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, hồ sơ liên kết với các công ty chưa đầy đủ, hợp đồng liên kết chưa cụ thể về trách nhiệm của các bên.

 Môn học kỹ năng sống phải tạm dừng do còn nhiều thiếu sót


Chương trình tài liệu chưa được thẩm định; công tác kiểm tra giám sát của Phòng GD-ĐT đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc thiếu chặt chẽ và thường xuyên. Chưa chấn chỉnh kịp thời thiếu sót, tồn tại đối với các cơ sở giáo dục và các công ty tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng sống.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 2406/SGDĐT-TTr ngày 11/10/2017 về việc chấn chỉnh tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống theo Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Văn bản yêu cầu các Phòng GD thông báo đến các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đã ký, liên kết với các công ty tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống tạm dừng triển khai từ ngày 16/10/2017.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng cho biết, đối với các cơ sở giáo dục đã triển khai thu tiền tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống năm học 2017-2018 thì phải trả lại tiền cho phụ huynh.

Trước đó, theo tìm hiểu, môn học kỹ năng sống mới được đưa vào thử nghiệm chưa lâu nhưng đã gặp phải những phản đối của không ít phụ huynh vì cho rằng số tiền đóng cao trong khi giáo viên của công ty lại không trực tiếp giảng dạy. Phần mềm dạy học cũng không phải của Bộ GD-ĐT mà của công ty tự biên soạn ra.

Học phí cho môn học này với mức 50.000 đồng/HS/tháng. Trong khi 1 tháng, HS chỉ được học 4 tiết. Tính ra 1 tiết học, mỗi em phải nộp cho công ty 12.500 đồng, trung bình một lớp 32 em phải nộp 400.000 đồng/tiết để “học cách sống ở đời”.

Điều đáng nói, tại nhiều trường, tình trạng “núp bóng tự nguyện” nhưng lại bắt buộc HS theo học môn học này đang tồn tại ở một số trường. Bởi thế, dù cho con đi học nhưng rất nhiều phụ huynh tỏ ra không hài lòng.

Đó là chưa nói ngoài lệ phí học tập còn vấn đề về nội dung dạy học, rất nhiều phụ huynh băn khoăn về giáo trình dạy và việc những giáo viên không chuyên, không được đào tạo bài bản thì khi truyền đạt cho HS có thật sự hiệu quả?