Thao túng tiền tỷ: Tay to làm loạn, đại gia hưởng lợi

Admin
Những quyết định xử phạt được xem là quá nhẹ và đưa ra quá chậm, ở thời điểm mà mọi sự coi như “đã rồi”, khiến các nhà đầu tư thiệt hại và đành chấp nhận trái đắng.

Tay to làm loạn

Giới đầu tư chứng khoán trong tuần qua sôi sục trước thông tin một cá nhân bị phạt vì đã sử dụng 42 tài khoản mở tại 16 công ty chứng khoán để giao dịch cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HNG.

Cổ phiếu HNG của ông Đoàn Nguyên Đức ( Bầu Đức ) lên sàn từ giữa tháng 7/2015. Hành vi “thao túng” của bà Trần Thị Minh Phượng cũng bắt đầu từ đúng ngày cổ phiếu này lên sàn và kéo dài gần nửa năm. Gần một năm rưỡi sau đó, ngày 10/8/2017, UBCKNN mới ra quyết định xử phạt.

Khoảng thời gian bà Trần Thị Minh Phượng thực hiện hành vi mua bán thao túng cổ phiếu HNG cũng là giai đoạn cổ phiếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) giữ mức giá cao chót vót 30.000-33.500 đồng/cp.

 Nhiều sai phạm trên thị trường chứng khoán.

Sau hơn nửa năm ở ngưỡng cao ngất ngưởng, cổ phiếu HNG bất ngờ tụt giảm xuống dưới 10 ngàn đồng và có lúc xuống tới 5.000 đồng/cp, khiến nhiều cổ đông thủng túi. Đến thời điểm hiện tại, HNG vẫn chưa vượt lên được trên mệnh giá.

Với gần 770 triệu cổ phiếu đang giao dịch, nếu tính ở thời điểm 6 tháng đỉnh cao, vốn hóa của doanh nghiệp Bầu Đức lên tới khoảng 26 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 1,2 tỷ USD. Tới thời điểm này, vốn hóa của doanh nghiệp đã bốc hơi khoảng 800 triệu USD. Rất nhiều nhà đầu tư mua vào cổ phiếu trong 6 tháng đầu tiên đã chứng kiến túi tiền bốc hơi 70-90%.

Chưa biết những sai phạm của bà Trần Thị Minh Phượng là vì mục đích cá nhân hay cho ai, nhưng giới đầu tư đặt câu hỏi về mối quan hệ của cá nhân bà Phượng với ông chủ Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức.

Theo như công bố của UBCKNN, địa chỉ của bà Trần Thị Minh Phượng là ở: “15 Trường Chinh, Pleiku, Gia Lai”, trùng hợp với Trung tâm điều hành Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, theo như thông tin công bố trên website. Cái tên Trần Thị Minh Phượng cũng thường xuất hiện trong các biên bản họp của HAG, với chức danh “thư ký”.

Tình trạng vi phạm trên thị trường chứng khoán trong vài năm qua vẫn còn rất nhiều. Cách đây khoảng 1 năm, một cá nhân là Hoàng Đức Dũng cũng đã bị phạt lỗi mở 26 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu TNT.

Cũng khoảng thời gian này, nhiều nhà đầu tư lướt sóng bán cổ phiếu NHP ở giá đỉnh rồi mua vào ở mức giá rất thấp và được đồn đoán có thể kiếm được 1-2 chục tỷ đồng trong thời gian vài tháng.

Kết cục, chỉ đại gia là thắng?

Cổ phiếu NHP lên sàn với mức giá khá cao, trên 15.000 đồng và có lúc lên tới khoảng 17.000 đồng trước khi rơi tự do xuống ngưỡng 3.000 đồng, sau khi các lãnh đạo của DN này bán ra.

 Đa số các nhà đầu tư thua lỗ vì nắm bắt thông tin chậm.

Trước đó, ông Trần Thanh Điền cũng đã bị phạt do dùng tài khoản của mình và 7 tài khoản đứng tên người khác để giao dịch cổ phiếu DAT nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá từ 11/2015 đến 1/2016. Cũng trong khoảng thời gian này, cổ phiếu DAT đã tăng hơn 3 lần, từ 13.000 lên 42.400 đồng/cp.

Gần đây, nhiều đại gia cũng được xem là người cực kỳ may mắn bán được cổ phiếu ở vùng đỉnh và khi định mua vào thì cổ phiếu lao dốc thu về hàng trăm tỷ đồng. Cổ phiếu này sau đó đã giảm mạnh sau khi doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý 3 sụt giảm gần 40% so với cùng kỳ.

Nhiều cổ phiếu lên sàn ở mức giá rất cao rồi sau đó tăng mạnh. Có cổ phiếu tăng cả vài chục lần, lên những mức giá không tưởng, cuốn các nhà đầu tư bỏ tiền vào cuộc trước khi quay đầu giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư nhỏ theo sóng thiệt hại lớn.

Một số cổ phiếu sau khi lên sàn bất ngờ giảm mạnh, bốc hơi vài ba, bảy tám lần sau khi các nhà đầu tư phát hiện dấu hiệu “cổ phiếu ma”. Cổ phiếu MTM lên sàn Upcom trong vòng 2 tháng giảm 6 lần. Trước đó, cổ phiếu này tăng vốn rất nhanh gấp 150 lần trong vòng có 3 năm.

Cổ phiếu HID của CTCP Đầu tư và Tư vấn Hà Long (Halcom) cũng đã dội gáo nước lạnh vào nhiều nhà đầu tư khi giảm một mạch từ trên 30.000/cp xuống còn 4.000 đồng/cp trong hơn 6 tháng đầu năm. Trước đó, HID đã tăng nóng hơn 140% trong vòng nửa cuối năm 2016, ngay sau khi niêm yết.

Giới đầu tư cũng chứng kiến những thông tin không rõ ràng từ chủ các doanh nghiệp như trường hợp danh nghiệp Thuận Thảo mập mờ xử lý khoản nợ trăm tỷ của người nhà. Hay việc Novaland chi hàng ngày tỷ đồng mua doanh nghiệp vừa thành lập 1 năm, Sacom mua công ty "không tên tuổi",...

Chưa có một thống kê nào cho thấy, sau những cú tăng nóng, ai là người được hưởng lợi. Cổ đông nhỏ lẻ mua cổ phiếu ở mức giá cao (nhất là các cổ phiếu mới chào sàn) là bao nhiêu và họ đã mất bao nhiêu tiền? Các cổ đông lớn, các ông chủ của doanh nghiệp hưởng lợi gì những cú tăng giá đột biến rồi giảm đột ngột như vậy hay không?

Chỉ có một thực tế là rất nhiều nhà đầu tư đã mua vào lúc thời điểm giá cao chót vót và phải bán cắt lỗ sâu một thời gian ngắn sau đó. Họ là những người nắm bắt những thông tin bất lợi muộn màng và chịu thua lỗ.

Những cá nhân sai phạm và bị buộc tội thao túng giá cổ phiếu như trường hợp bà Phương thao túng giá cổ phiếu Bầu Đức hay ông Hoàng Đức Dũng trong trường hợp TNT cũng chỉ bị phạt vài ba trăm triệu đồng - con số có thể nói là quá bé so với những biến động về vốn hóa hàng ngàn tỷ đồng. Đó là chưa tính tới diễn biến giao dịch lên xuống trong một thời gian dài.

Những quyết định xử phạt được xem là quá nhẹ và đưa ra quá chậm, rất lâu sau khi hành vi sai phạm diễn ra, ở vào thời điểm mà mọi sự coi như “đã rồi”, các nhà đầu tư đành chịu thiệt hại và chấp nhận nuốt nỗi đau.