Giáo dục

Thầy giáo tố thêm "độc chiêu" giáo viên ép học trò đến nhà để dạy thêm

Để thực hiện dạy thêm ở nhà, các thầy cô giáo ở bậc học Phổ thông cũng phải có những “chiêu” đặc biệt của mình.

Thầy giáo tố thêm “chiêu” bắt học trò đi học thêm ở các trường phổ thông

LTS: Trong bài viết “Thầy giáo tố thêm chiêu bắt học trò đi học thêm ở các trường phổ thông”, thầy giáo Trần Đăng Anh đã vạch ra những "mánh khóe" giáo viên dùng để lôi kéo học sinh đi học thêm ở trường.

Trong bài viết này, thầy Đăng Anh tiếp tục bài viết chỉ ra những “chiêu trò” giáo viên dùng để lôi kéo học sinh học thêm ngay tại nhà mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Việc dạy thêm ngoài nhà trường đã được quy định tại Thông tư số 17/2012/TT- BGDĐT ban hành ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc dạy thêm, học thêm.

Theo Thông tư này, các giáo viên trong các trường công lập vẫn có thể tham gia dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nếu có cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, Điều 4 của Thông tư trên có quy định rất rõ ràng, cụ thể về việc các trường hợp không được dạy thêm, đối với bậc học Phổ thông có ba quy định sau:

Thứ nhất, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày.

Thứ hai, không dạy thêm đối với học sinh Tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Thứ ba, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

4444
Học sinh đến lớp học thêm sau giờ tan học trên trường (Ảnh minh họa từ nguồn: nld.com.vn).

Các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã ban hành văn bản quy định chi tiết về dạy thêm, học thêm căn cứ vào Thông tư trên.

Quy định là vậy, nhưng việc dạy thêm ngoài nhà trường (ở đây, người viết nhấn mạnh việc dạy thêm ở nhà) của các giáo viên diễn ra rất nhiều, thường là sai quy định vì rất ít thầy cô được cấp phép dạy thêm.

Để mở được lớp dạy thêm ở nhà, các giáo viên phải vận dụng khá nhiều “chiêu” mà các bậc phụ huynh và học sinh nhiều khi cũng phải “ngả mũ kính chào”:

Ép học sinh trên lớp học thêm tại nhà

“Chiêu” quen thuộc nhất là “ép” học sinh trên lớp của mình đi học thêm, tại các lớp này sẽ dạy các kiến thức, đề thi sẽ kiểm tra trên lớp.

Một số em nếu chăm chỉ đi học dù học lực không khá lắm thì cũng sẽ được cô thầy ưu ái, nâng điểm lên để lấy thành tích.

Một số em nhờ vậy còn được giáo viên chiếu cố cho vào các lớp đội tuyển học sinh giỏi để bồi dưỡng đi thi các giải huyện, tỉnh, thành phố; thậm chí chọn vào ban cán sự lớp.

Tôi có anh bạn có điều kiện về kinh tế, anh rất kỳ vọng vào đứa con trai một của mình nên khi cháu chuẩn bị vào lớp một, anh lo bằng được cho cháu vào học ở một trường Tiểu học điểm.

Mặc dù trái tuyến và việc đưa đón con đi học rất vất vả, anh vẫn cho con đi học thêm ba buổi môn Toán/tuần.

Tuy vậy, do năng lực của cháu cũng bình thường nên trong năm năm học ở Tiểu học kết quả học tập thực sự của cháu không cao.

Đến năm cháu lên lớp 6, anh bạn tôi đành cho cháu về học tại trường Trung học Cơ sở ở xã nhà.

Dạy thêm theo chu trình “trọn gói”

Một “chiêu” nữa của các giáo viên là hợp tác tổ chức dạy nhiều môn khác nhau như: “bộ đôi” (Toán, Văn) hoặc “bộ tam” (Toán, Văn, Anh) để thu hút học sinh theo một chu trình “trọn gói” khép kín.

Địa điểm dạy thêm dạng này có thể là tại nhà một giáo viên nhưng cũng có khi nhà ai thì người đó dạy để khỏi phải tính toán tiền “cơ sở vật chất”.

Ở Tiểu học, nhiều trường đã dạy hai buổi/ngày, theo quy định thì không được dạy thêm nữa nhưng nhiều giáo viên vẫn “vô tư lờ quy định” mở các lớp học thêm tại nhà vào ngày nghỉ và các buổi tối. Có nhiều lớp học quá đông nên giáo viên phải chia theo ca, mỗi ca hai tiếng dạy không khác gì như các nghệ sĩ chạy sô.

Có ca học còn được bố trí vào khung từ 5 đến 7 giờ tối trong khi khoảng thời gian này các em cần để tắm rửa, nghỉ ngơi và ăn uống khi vừa tan trường về.

Trong các lớp học thêm tại nhà này, các giáo viên thường dạy thêm các kiến thức nâng cao nhiều khi vượt quá năng lực học sinh.

Có cô giáo kể rằng, hai vợ chồng cô đều là giáo viên Tiểu học, có đứa con gái mới học lớp ba. Vì gia đình không cho cháu học thêm ở nhà cô nên nhiều khi cô tỏ vẻ không hài lòng và thường “đánh tiếng” qua phụ huynh khác:

“Con bé đó nhận thức được nhưng tiếc rằng bố mẹ nó lại không muốn cho con học thêm kiến thức nâng cao”.

Một thầy giáo từng dạy thêm ở nhà trong dịp hè 2016 chia sẻ:

“Hè này các lớp dạy thêm ở nhà của tôi có đến mấy chục học sinh, đang thuận lợi như thế, thì vừa rồi, cấp trên về kiểm tra trên địa bàn, yêu cầu chấm dứt việc dạy thêm, tiếc đứt cả ruột ông ạ!”.

Có thầy cô rất giỏi đầu tư quan hệ, họ rất “thân thiết” với các cấp quản lý giáo dục (Ban giám hiệu nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo) hoặc với chính quyền địa phương, thậm chí dựa vào các phụ huynh là lãnh đạo nên mở nhiều lớp dạy thêm tại nhà không đúng quy định nhưng vẫn rất “an toàn” vì đã có hậu thuẫn.

Một thầy giáo giấu tên có thâm niên dạy thêm tại nhà riêng “bật mí”:

“Để yên tâm dạy thêm tại nhà, cánh giáo viên chúng tôi cũng phải lễ lạt cho Hiệu trưởng, rồi có khi cả cấp trên của họ nữa, tóm lại là mình phải “biết điều” và “biết chia sẻ” anh ạ!”.

Đồng thời, thầy giáo này cũng cho biết thêm: “Nhiều học sinh lớp tôi dạy là con các lãnh đạo huyện nên cũng thuận lợi trong việc dạy thêm ở nhà, có những vị còn mang con đến nhà nhờ tôi kèm giúp”.

Có một số thầy cô dạy thêm theo kiểu thương mại, càng nhiều học sinh học càng tốt, càng học nhiều buổi càng hay.

Chả thế mà có thầy giáo mới dạy thêm tại nhà từng chia sẻ là thầy được một bậc “tiền bối” về dạy thêm (nay đã lên quản lý) tư vấn rằng: “Học sinh đến xin học bao nhiêu cũng cứ nhận cho bằng hết”.

Vị “tiền bối” kia nghe bảo chỉ sau vài năm “cày” dạy thêm đã mua được đến vài mảnh đất đẹp ở đô thị còn vị thầy giáo mới thì nhờ dạy thêm mà hàng tháng gia đình thầy không phải tiêu đến lương của mình!

Lấy danh nghĩa kèm cặp “con cháu” để dạy thêm

Một “chiêu” để tổ chức dạy thêm tại nhà nữa là các giáo viên lấy danh nghĩa là kèm cặp thêm cho “con cháu” trong nhà nhưng thực chất là dạy thêm, học thêm.

Với danh nghĩa ấy, các thầy cô vẫn nhận tiền như thường nhưng lại dặn dò với cha mẹ học sinh rằng: “Nếu ai hỏi thì bảo là: Cô giáo chỉ dạy hộ thôi, không lấy tiền nhé!”.

Ép buổi, tăng buổi để thu tiền học thêm được nhiều

Một “chiêu” rất lạ, xem ra cũng lắm bi hài là dạy nhồi nhét theo kiểu “ép buổi”, “tăng buổi”, “dạy lấy được”.

Đó là kiểu dạy một buổi dài tính thành hai buổi, hoặc gần đến kỳ kiểm tra thì “tăng tốc” thêm buổi.

Một phụ huynh có con đang học lớp 7 tại một trường Trung học Cơ sở ở một tỉnh miền núi kể rằng:

“Cháu đã học thêm 5 buổi ở trường, nhưng cô giáo chủ nhiệm dạy môn Tiếng Anh vẫn đề nghị cho cháu học thêm môn cô dạy ở nhà cô, mỗi tuần 2 buổi.

Có hôm, buổi chiều cháu đã học thêm môn khác ở trường, đến 16 giờ 30 phút mới tan, cô lại báo đến nhà cô để học thêm môn Tiếng Anh.

Có buổi, cô lại dạy liền một mạch từ 16 giờ 45 phút đến 20 giờ mà không báo lại gia đình, chúng tôi phải điện hỏi thì được cô biết là:

“Hôm nay, cháu ở lại học thêm ca nữa, anh ạ!”.

Gần đến ngày kiểm tra học kỳ, cô lại tăng buổi từ 2 lên 4 buổi/tuần, cô bảo phải tăng buổi như vậy thì khi làm bài kiểm tra kết quả mới cao được”.

Qua phản ánh của phụ huynh trên, phải chăng có những thầy cô chỉ nghĩ đến việc dạy của mình, sao cho đủ buổi, thu đủ tiền là được, còn học sinh có tiếp thu được hay không, không quan trọng?

Khoe thành tích để “tiếp thị” cho bản thân

Một số thầy cô giáo cũng rất giỏi chiêu “tiếp thị” dạy thêm, như trong phòng dạy treo hết tất cả các danh hiệu đã đạt được của mình.

Khi nói chuyện với phụ huynh học sinh thì các giáo viên khéo léo “khoe” thành tích, nào là từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; nào là nhiều năm tham gia bồi dưỡng và đã có nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi.

Vì một số giáo viên cứ “có học sinh đến là nhận” nên có tình trạng không đảm bảo cơ sở vật chất cho việc dạy học.

Có thầy thì mượn nhà của người thân để dạy, có thầy cô thì tận dụng cả cái gác xép nhỏ xíu để dạy thêm, bàn ghế ngồi học cũng không đủ kết quả là học sinh phải ngồi chen chúc nhau.

Đã có những trường hợp học sinh phải ngồi cả ở khu vực vệ sinh để học (như phản ánh của cử tri tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ ngày 14/7 vừa qua).

Người viết đã từng chứng kiến một lớp học thêm buổi tối tại nhà của giáo viên dạy ôn thi vào Trung học Phổ thông mà học sinh phải kê đùi làm bàn.

Lớp học này có khoảng chục em ngồi học bằng ghế nhựa nhỏ, không có bàn, các em phải đặt quyển vở lên đùi để viết, còn cô giáo thì đứng lên chiếc ghế tiếp khách của gia đình để giảng trong bài vì nhà quá chật.

Tóm lại việc dạy học ở nhà của các giáo viên hiện đang diễn ra khá phổ biến, gây nhiều bức xúc cho nhân dân.

Mặc dù cũng có một bộ phận phụ huynh có nhu cầu cho con em mình học thêm, nhưng không ít thầy cô giáo đã lạm dụng điều đó, thậm chí còn dùng nhiều “chiêu” để ép học sinh đi học thêm sai quy định với mục đích mang nhiều tính thương mại, không trong sáng.

Để chấm dứt tình trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền, các cấp quản lý giáo dục phải quyết liệt vào cuộc, xử lý nghiêm minh, dứt điểm các trường hợp dạy thêm, học thêm sai quy định (hiện nay thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Phú Thọ đang làm rất mạnh và có hiệu quả vấn đề này).

Đặc biệt là cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng nhà trường đối với các giáo viên trong việc dạy, học thêm ngoài trường.

Hơn nữa, các bậc phụ huynh, học sinh cũng đừng quá kỳ vọng vào tác dụng thực chất của việc dạy, học thêm đối với con em mình đồng thời phải cương quyết nói không với các trường hợp dạy thêm, học thêm sai quy định.

Tác giả bài viết: Trần Đăng Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP