Ngày 21-12, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức tọa đàm Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc.
Tin mừng trong đàm phán
Tọa đàm có sự tham gia của khoảng 100 DN xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam thuộc các ngành hàng như: gạo, bột mì, rau củ quả, sữa, yến sào… và Tập đoàn Sunwah, một DN quốc doanh Trung Quốc tại tỉnh Liêu Ninh có kế hoạch mua trực tiếp nông sản Việt Nam để bán lẻ cho người tiêu dùng nước này.
Tại đây, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, thông báo tin mừng về kết quả đàm phán mở cửa thị trường với Trung Quốc. Cụ thể, phía Trung Quốc dự định thực thi quy định buộc các lô hàng nông sản nhập khẩu phải có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng từ tháng 12-2018 nhưng Việt Nam đã đàm phán lùi thời hạn đến tháng 6-2019 để các DN có thời gian thích ứng. "Để tăng cường thông tin quy định thị trường, sau Tết nguyên đán 2019, Việt Nam - Trung Quốc sẽ mở lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách của 2 bên và mở rộng tới DN Việt Nam để hiểu hơn quy định của Trung Quốc" - ông Nam thông báo.
Sầu riêng Việt Nam sắp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thay vì đi đường tiểu ngạch như thời gian qua. Trong ảnh: Thương lái mua sầu riêng ở Vĩnh Long Ảnh: LÊ PHONG |
Trung Quốc cũng chấp thuận cho 13 DN Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản sang nước này và bổ sung cá ngừ, cá rô phi vào danh mục nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho DN giảm chi phí, tránh ùn tắc, Trung Quốc đã đồng ý mở thêm chức năng xuất khẩu thủy sản ở các cửa khẩu do hai nước chỉ định.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý xem xét mở cửa thêm một số loại trái cây Việt Nam sau 8 loại quả đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch (thanh long, dưa hấu, xoài, nhãn, vải, mít, chuối, chôm chôm). Cụ thể, thứ tự ưu tiên các loại củ quả sắp được phía Trung Quốc mở cửa chính ngạch là sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt. Trong đó, sầu riêng là loại quả được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nên sẽ ưu tiên mở cửa trước.
Cần thông tin thị trường chính xác
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy sản Sài Gòn (thành viên Tập đoàn Satra), tin tưởng sẽ đáp ứng được yêu cầu thị trường Trung Quốc khi đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Ông Dũng kiến nghị các DN Trung Quốc nhập khẩu cần tham vấn chính sách đối với Chính phủ Trung Quốc cũng như DN Việt Nam tham vấn chính sách trong nước để giảm bớt các thủ tục không cần thiết, giúp thương mại 2 bên phát triển tốt hơn.
Trao đổi riêng với báo chí, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (Long An), cho rằng chúng ta yếu thế hơn Trung Quốc trong đàm phán thị trường nên việc chọn loại quả nào để mở cửa và phải "trả giá" như thế nào là bài toán không hề dễ. "Thời gian qua, Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình đã xuất khẩu chuối chính ngạch sang Trung Quốc với doanh số năm 2018 đạt khoảng 3 triệu USD. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục xuất khẩu bưởi sang Trung Quốc ngay khi thị trường này mở cửa. Nông dân và DN xuất khẩu như chúng tôi rất cần thông tin thị trường chính xác để tránh trường hợp hàng phải trả về" - ông Huy nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết VFA có 152 thành viên nhưng chỉ 22 DN được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu và chính sách tăng thuế đối với nếp đã khiến sản lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm. Cụ thể năm 2017, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 2,2 triệu tấn gạo nhưng năm 2018 dự kiến chỉ còn khoảng 1,3 triệu tấn gạo. Vì vậy, ông Nam đề nghị Trung Quốc cấp phép bổ sung cho các DN Việt Nam có nhu cầu.
Theo đại diện Tập đoàn Sunwah, mỗi năm, cơ quan quản lý Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập khẩu 6 triệu tấn gạo, trong đó, gạo nhập khẩu của Việt Nam đã chiếm hơn 30% thị phần. "Trung Quốc không chỉ mua hàng từ Việt Nam mà còn các nước khác, do đó DN Việt Nam nên nâng cao chất lượng để bán hàng cho phân khúc khách hàng cao cấp vì họ sẵn sàng chi giá cao gấp 2, 3 lần" - đại diện tập đoàn này lưu ý.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM), tỏ ra lo ngại những thay đổi của thị trường Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu rau củ quả trong 2 năm tới gặp nhiều khó khăn do thị trường này chiếm trên 70% thị phần xuất khẩu của các DN Việt. Tuy nhiên, về dài hạn, khi Trung Quốc đòi hỏi khắt khe chất lượng thì bắt buộc nông dân sản xuất phải thay đổi nếu muốn bán được hàng. Hiện nay, đã có nhiều nông dân tiến bộ, tham gia HTX kiểu mới sản xuất ra trái cây có chất lượng, kiểm soát tốt dư lượng để cung cấp sang các thị trường Mỹ, Úc. "Khi thị trường Trung Quốc khó tính hơn thì nguồn cung trái cây chất lượng cao sẽ nhiều hơn, từ đó có thể mở rộng sang các thị trường khác như châu Âu, Ấn Độ" - ông Tùng dự báo.
Bột cá chứa thành phần heo, bò Tại tọa đàm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết phía Trung Quốc vừa cung cấp danh sách 4 DN Việt Nam xuất khẩu bột cá nhưng thành phần có chứa heo, bò. "Các DN phải kiểm soát tạp chất, không được để lẫn thành phần bò, heo vì đây là thành phần bị Trung Quốc cấm. Nếu để tái diễn, có thể Trung Quốc sẽ áp dụng chế tài xử lý cao hơn" - ông Nam lưu ý. |