Thêm GM, Ford, Tesla, Hyundai dùng thép không đủ chất lượng của Kobe

Admin
Không chỉ 6 nhà sản xuất ôtô nổi tiếng nhất của \"xứ mặt trời mọc\" gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda thừa nhận đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu của Kobe Steel, hàng loạt các hãng xe hơi danh tiếng trên thế giới như GM, Ford Motor, Tesla, Renault, Hyundai, Daimler, Volvo…cũng đang tiến hành các cuộc điều tra chất lượng.

 Không chỉ có hãng xe số 1 thế giới là Toyota bị ảnh hưởng mà đã có thêm các cái tên khác của ngành công nghiệp ôtô có liên quan.

Phát biểu ngày 13/10 tại một cuộc họp báo, lãnh đạo cấp cao của Kobe Steel, ông Yoshihiko Katsukawa cho biết đến nay, tổng cộng khoảng 500 công ty bị ảnh hưởng trong vụ bê bối làm giả dữ liệu chất lượng sản phẩm, cao hơn so với con số 200 được thông báo trước đó.

Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đã chính thức yêu cầu các nhà sản xuất xe hơi tiến hành kiểm tra khẩn cấp để xác định có cần tiến hành các chiến dịch thu hồi xe hay không, sau khi 6 nhà sản xuất ôtô nổi tiếng nhất của "xứ mặt trời mọc" bao gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda cho biết đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu của Kobe Steel.

 

Ngoài phạm vi Nhật Bản, các hãng xe hơi như GM, Ford Motor, Tesla, Renault, Hyundai, Daimler, Volvo…cũng đang mở các cuộc điều tra. Trong lúc đó, hãng máy bay Boeing cũng thông báo đang kiểm tra các sản phẩm của Kobe nhưng cho biết không có vấn đề an toàn nào trong các kiểm tra của hãng này cho đến nay.

Một số công ty khác sử dụng vật liệu của Kobe Steel còn có công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản cho biết có sử dụng một số linh kiện từ Kobe để sản xuất các tàu cao tốc nhưng không khẳng định không có vấn đề nào về an toàn.

 Mức ảnh hưởng của vụ gian dối làm giả dữ liệu và vật liệu không đảm bảo cam kết của Kobe Steel đã lan ra toàn cầu. Các hãng xe Mỹ đã chính thức bị dính tới vụ việc này.


Tập đoàn Hitachi thừa nhận có sử dụng linh kiện của Kobe để sản xuất tàu lửa cho thị trường Anh. Người phát ngôn của Hitachi khẳng định các sản phẩm của Kobe đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn dù không đúng với các thông số đã thỏa thuận với Hitachi.

Ông Hiroya Kawasaki, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kobe cho biết, công ty đang làm việc với các đối tác sản xuất xe hơi trên toàn thế giới để xác định tác động của vụ bê bối này. “Chúng tôi chưa nhận được thông báo cụ thể nào từ các khách hàng về vấn đề triệu hồi xe liên quan tới vụ việc này. Và tất nhiên, thông qua tham vấn với khách hàng, Kobe Steel sẽ hỗ trợ trang trải chi phí cho bất kỳ vụ triệu hồi xe nào mà họ phải gánh chịu.”

Trước mắt, ông Kawasaki cho biết trong 2 tuần tới sẽ công bố kết quả điều tra về độ an toàn của các sản phẩm đã được giao cho khách hàng, cũng như các biện pháp giải quyết. Ngoài ra, nguyên nhân của vụ việc cũng sẽ được đưa ra trong vòng 1 tháng tới. Đồng thời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kobe Steel cho biết cá nhân ông sẽ chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả của vụ bê bối và sau đó sẽ xem xét từ chức.

 Chỉ trong hai ngày, cỏ phiếu của Kobe Steel đã mất đi 1,5 tỉ sau khi thông tin về vụ gian dối được công bố.


Dư luận Nhật Bản rúng động sau khi ngày 8/10, Tập đoàn Kobe Steel vừa qua thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền của một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong chế tạo máy bay, ôtô, thậm chí cả tên lửa vũ trụ. Tập đoàn này cũng tiết lộ hành vi này có thể đã xuất hiện từ cách đây 10 năm. Công ty JPMorgan Securities Japan Co. ước tính chi phí để thay thế những linh kiện bị ảnh hưởng trong vụ bê bối vào khoảng 15 tỷ Yên, tương đương khoảng 133 triệu USD.

Tuy nhiên, tổn thất uy tín và các vụ kiện tiềm năng có thể khiến Kobe Steel thiệt hại lớn hơn rất nhiều, như nhà phân tích Yi Zhu của Bloomberg Intelligence tại Hồng Kông nhận định: "Ảnh hưởng chính của vụ việc này có lẽ nằm ở vấn đề uy tín. Vụ bê bối gửi đi một thông điệp đến thị trường rằng sản phẩm của các công ty Nhật Bản có thể không hoàn hảo, và điều đó có thể sẽ mở rộng hơn cánh cửa cho các nhà sản xuất từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc".