Giáo dục

Thi THPT quốc gia 2017: Dự kiến chỉ còn thi 5 môn

Bộ GD-ĐT đang bàn phương án thay thế tổ chức thi theo từng môn như trước đây bằng 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Việc này nằm trong quá trình xây dựng phương án trình Chính phủ về tổ chức kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017.

Chỉ có Ngữ văn thi tự luận

Thực tế, Bộ GD-ĐT đang cân nhắc hai phương án: hoặc yêu cầu học sinh THPT phải thi đủ năm bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT; hoặc thí sinh chỉ thi bốn bài gồm ba bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một bài thi hoặc khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Trong đó, duy nhất bài thi Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận. Thí sinh làm bài thi Ngữ văn trên giấy, do giáo viên chấm.

Các bài còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh trong một phòng thi sẽ có một bài thi trắc nghiệm riêng.

Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính.

Đề thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội dự kiến có 50 câu hỏi khách quan, có 4 lựa chọn với 1 phương án trả lời đúng.

Bài thi Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Thời gian làm bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là 90 phút, bài thi Ngữ văn làm trong 120 phút và Ngoại ngữ là 60 phút.

Kì thi năm 2017, nội dung đề thi vẫn ra chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT. Thời gian thi dự kiến thi trong hai ngày vào tháng 6-2017.

Tổ chức thi: giao cho các sở GD-ĐT

Theo dự thảo, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi cho tất cả các thí sinh tại địa phương do sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH-CĐ thực hiện giám sát. Thời gian thi của các cụm sẽ diễn ra cùng lúc trên toàn quốc.

Theo giải trình của Bộ GD-ĐT, kì thi năm 2016 đã tổ chức tại các tỉnh, tạo điều kiện cho thí sinh dự thi nhưng vẫn bộc lộ những bất cập.

Do các trường ĐH chủ trì cụm thi nên một số lượng lớn cán bộ, giảng viên phải di chuyển về tỉnh, dẫn đến khó khăn về phương tiện đi lại, ăn, ở.

Việc giao cho các sở GD-ĐT chủ trì cụm thi vào năm 2017 phát huy tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức kì thi này.

Kì thi THPT quốc gia năm 2017 vẫn duy trì hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ dựa trên điểm số của kì thi THPT quốc gia và điểm trung bình kết quả học tập, rèn luyện của lớp 10,11,12 theo tỷ lệ 50/50. Kết quả của kì thi THPT quốc gia là một căn cứ để các trường ĐH-CĐ xét tuyển.

Tuyển sinh ĐH: 5 phương thức

Với những thay đổi cơ bản của kỳ thi THPT quốc gia, dự kiến tuyển sinh ĐH 2017 cũng sẽ có những bước ngoặt đáng kể.

Theo đó, việc tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ được giao tự chủ thực sự cho các trường, không có sự tham gia sâu của Bộ GD-ĐT vào những công việc cụ thể như trước đây nữa.

Thực tế, các năm gần đây, việc tuyển sinh ĐH được các trường thực hiện chủ yếu theo hai phương thức: hoặc xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, hoặc dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Ngoài ra, chỉ có số lượng rất ít các trường đặc thù tổ chức thi riêng hoặc sàng lọc riêng bằng bài thi dạng năng khiếu.

Tuy nhiên, với kỳ thi THPT quốc gia bằng các bài thi đánh giá năng lực dự kiến sẽ áp dụng vào năm 2017, việc tuyển sinh ĐH được phân rõ theo các hình thức sau:

1. Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT: Với phương thức này, các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (lớp 12 hoặc cả ba năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh được công bố công khai.

2. Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia: Với phương thức này, các trường nhận đăng ký xét tuyển dựa vào bài thi THPT quốc gia. Thí sinh dùng mã số thí sinh để đăng ký xét tuyển. Dựa vào dữ liệu chung, các trường có đủ dữ liệu để thực hiện xét tuyển.

3. Sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt: Đây là phương thức dành cho các trường có yêu cầu sàng lọc cao để tuyển chọn những thí sinh có năng lực phù hợp các ngành nghề đào tạo của trường.

Theo đó, các trường có thể tự tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sau khi đã qua vòng sơ tuyển hoặc hình thành các nhóm trường để tổ chức thi đánh giá năng lực.

Nếu hình thành các nhóm trường theo cách này, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường về kỹ thuật: tổ chức nhiều đợt/năm, đề thi rút ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa của ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng trong nhóm và có sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong khi các rường trong nhóm sẽ phải tuân thủ phương thức xét tuyển chung.

4. Xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường khác: Các trường sẽ công bố công khai phương thức sử dụng kết quả đánh giá năng lực, công bố công khai tên trường, nhóm trường, mã trường mà trường sử dụng kết quả thi để xét tuyển.

5. Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh: Với cách tuyển sinh kết hợp này, các trường phải công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển bằng từng phương thức khác nhau.

Tác giả bài viết: NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP