Thị trường đồ cổ vũ bóng đá đắt khách

Admin
Ngày 15/12, đội tuyển bóng đá Việt Nam bước vào trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 trên sân vận động Mỹ Đình. Hàng triệu người hâm mộ trên cả nước đang hồi hộp chờ giờ bóng lăn để cổ vũ tiếp thêm sức mạnh cho đội nhà. Vì vậy, thị trường đồ cổ vũ bóng đá đang trở nên sôi động người mua kẻ bán.

Tại các con phố Hàng Mã, Hàng Gai, Lương Văn Can, Minh Khai… các hàng bán đồ cổ vũ như cờ, băng rôn, decal dán mặt... mọc lên nhan nhản bởi sức tiêu thụ tăng khá mạnh. Theo chủ các cửa hàng kinh doanh đồ thể thao tại Hà Nội, những ngày vừa qua, doanh thu của cửa hàng tăng gấp 2 – 3 lần ngày thường. Không chỉ các chủ buôn thu lãi trong dịp này, nhiều sinh viên, người nội trợ cũng nhanh chóng bắt nhịp, tranh thủ bán các đồ cổ vũ đội tuyển Việt Nam để kiếm lời. Phương Thảo (sinh viên ĐH Công Đoàn chia sẻ: "Đây là thời điểm mà mặt hàng cổ vũ rất có giá nên em đã xin tiền bố mẹ đầu tư nhập 250 băng rôn buộc đầu, 200 cờ nhỏ, 100 cờ lớn và một số áo cờ đỏ sao vàng".

Sức mua tăng cao kéo theo giá của các mặt hàng này cũng tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Chị Lan, chủ một cửa hàng bán quần áo thun trên phố Hàng Gai cho biết, hiện áo thun in hình cờ đỏ sao vàng năm cánh có giá 80.000 - 100.000 đồng, tăng 10.000 - 20.000 đồng/chiếc; mũ in hình cờ đỏ sao vàng thì có giá chung 60.000/chiếc; cờ Tổ quốc tuỳ thuộc kích cỡ mà có giá bán từ 50.000 - 150.000 đồng/chiếc; băng rôn cổ vũ 10.000 đồng/chiếc; kèn thì có 3 loại tương ứng với mức giá từ 30.000 - 60.000 đồng; sticker dán mặt hình cờ Tổ quốc có giá dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/chiếc… Một số cửa hàng còn đưa ra chương trình khuyến mại như mua áo tặng băng rôn hoặc sticker dán mặt.

Các tiểu thương cho biết, giá các mặt hàng phục vụ bóng đá những ngày qua là mức “trên trời” nhưng sức hút vẫn không hề giảm, góp phần làm cho không khí trước giờ bóng lăn nóng hơn bao giờ hết. Dự báo, rất có thể đúng vào ngày đội tuyển bóng đá Việt Nam bước vào trận chung kết lượt về AFF Cup 2018, giá bán những mặt hàng cổ vũ bóng đá sẽ tăng mạnh hơn nữa bởi nhu cầu tăng cao, trong khi nguồn cung có hạn.