Chị Hoa cho biết, gia đình phải đóng hết sản mới được xã cho con dấu.
LTS: Sau khi Trí Thức trẻ đăng tải loạt bài "Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa", phản ánh những vấn đề liên quan đến việc huy động đóng góp của người dân ở xã Trường Sơn (huyện Nông Cống), ngày 17/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra nội dung báo chí phản ánh.
Ngày 5/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ông Nguyễn Đình Xứng đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng về việc này và nghiêm túc xử lý những sai phạm mà Trí Thức trẻ đã nêu.
Nhiều lần trao đổi với phóng viên, một vài vị lãnh đạo Thanh Hoá đã bày tỏ mong muốn Trí Thức trẻ tiếp tục chỉ ra những khuyết điểm, sai phạm xung quanh chuyện huy động đóng góp ở các địa phương để giúp tỉnh khắc phục "vấn nạn" này.
Hoan nghênh chỉ đạo kịp thời của tỉnh Thanh Hoá. Trên tinh thần xây dựng, cao hơn nữa là để người dân thôn quê còn nhiều cam khó thoát khỏi cảnh còng lưng đóng góp những khoản thu chưa đúng, quá sức, Trí Thức trẻ tiếp thực hiện việc điều tra này ở xã Hà Vinh, huyện Hà Trung.
Khốn đốn với khoản nợ "cha truyền con nối"
Như đã nói ở bài trước, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND xã Hà Vinh (Hà Trung) cho biết, để ép người dân đóng những khoản thu nặng nề, 2-3 năm nay, chính quyền địa phương không còn thực hiện "chiêu thức" cưỡng chế tài sản nữa.
Không bắt dân phải tự nhận tài sản của mình là "do chiếm dụng mà có" nữa bởi xã đã có cách thúc thu khác, ấy là… quản lý con dấu.
Ai chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng góp, nộp sản thì coi như tuyệt đường đến… ủy ban. Mọi giao dịch với chính quyền bị đình lại bởi cán bộ "phong tỏa" con dấu.
Và, chính việc lấy con dấu ra làm sức ép để bắt dân nộp sản đã khiến nhiều gia đình nghèo khó ở Hà Vinh lâm cảnh đường cùng, không lối thoát.
Thấy có nhà báo về xã nhà, bà Nguyễn Thị Suy (SN 1954) tất tả đi tìm. "Các anh cứu gia đình tôi với!", đó là câu thống thiết đầu tiên khi bà Suy bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Bà Suy bảo, mọi nỗi khốn khó của đời bà đều do đóng sản gây ra.
Bà Suy già hơn tuổi, mặt khắc khổ, da đen sạm. Bà bảo, giờ bà đã sống quá nửa đời người nhưng ngó trước nhìn sau, bà không thấy một ngày sung sướng. Theo bà Suy, bi kịch, đau khổ của đời bà và cả của các con bà nữa đều khởi nguồn từ việc đóng sản.
Có cả thảy 6 người con nên dù chịu thương chịu khó nhưng cái nghèo vẫn cứ bám riết lấy gia đình bà. Và, nhiều năm trước, bởi đòi nghèo mà gia đình bà thường chậm trễ trong việc nộp sản.
"Ngày đấy họ thu cũng gớm lắm các anh ạ. Năm 1987, bởi chưa kịp đóng sản mà gia đình tôi đã bị người ta lấy hết ruộng, không cho cấy nữa", bà Suy kể.
Không còn ruộng, hết đường mưu sinh, mấy người con bà Suy đã lần lượt nghỉ học. Kiếm ăn, họ phải tứ tán vào rừng chặt củi đốt than.
Bởi không còn ruộng nữa nên các vụ đóng góp sau dù xã, thôn có đến thu nhưng bà Suy không thể hoàn thành.
"Không phải tôi chây ì mà vì nhà không còn gì để đóng nữa. Các anh xem, nhà cả chục miệng ăn lại không có ruộng thì tiền đâu mà đóng!", bà Suy bức xúc.
Cứ nghĩ biện lý do không có ruộng thì xã, thôn sẽ thông cảm, chiếu cố, bỏ qua cho gia đình các khoản đóng góp khác, nào ngờ đến vụ chiêm năm 2009, gia đình bà đã ngã ngửa khi biết mình đang mang… nợ khủng.
Theo lời kể của bà Suy, đợt đóng sản đó, tổ công tác của xã, thôn đã tìm đến gia đình bà và mang theo thông báo bà còn nợ tiền đóng góp từ năm 1987, quy ra thóc là gần… 5 tấn.
"Họ nói là gia đình tôi phải hoàn thành khoản đóng góp trên nếu không sẽ tạm giữ chiếc máy vò lúa của gia đình", bà Suy nhớ lại.
Chiếc máy vò lúa đó, theo bà Suy thì chồng bà và các con đã gom tiền mua để đi vò thuê cho các hộ gia đình có ruộng trong làng.
Nghe cán bộ nói vậy bà Suy đã vô cùng hoảng sợ. Tuy nhiên, trong nhà chẳng có lấy một đồng nên bà cũng chẳng biết tính sao.
Giữa lúc nguy khốn đó, một cán bộ thôn đã "hiến kế" rằng hàng xóm nhà bà vừa vay ngân hàng, nếu muốn bà có thể sang mượn tạm về nộp.
Thấy cán bộ đã "tận tình" đến vậy bà đành sang nhà hàng xóm ấy mượn tiền. Tuy số tiền giật tạm ấy chẳng thấm vào đâu so với khoản nợ khổng lồ mà đoàn cán bộ thông báo nhưng cũng khiến họ… hài lòng.
Không những không bị cưỡng chế máy vò mà cán bộ xã còn cấp trở lại cho gia đình 4 sào ruộng.
Gia đình bà Suy còn nợ "khoản Liễu Thăng" tương đương 20 triệu đồng
Có ruộng, như các gia đình khác ở thôn, bà Suy không còn lý do gì để thoái thác mỗi khi vào mùa đóng sản. Tuy nhiên, vài vụ gần đây, bà không đóng nữa.
Lý do, theo bà Suy, từ khi có ruộng, dù xã, thôn thu hết sức nặng nề nhưng bà đã cố gắng lo trả. Không những vậy, khoản nợ gần 5 tấn thóc bà cũng đã hai lần trả với tổng số tiền là hơn 4 triệu đồng.
"Không biết ngần ấy tiền tôi đóng họ mang đi đâu mà không trừ bớt khoản nợ ấy. Họ vẫn bắt gia đình tôi trả đủ", bà Suy cho biết.
Bà Suy bảo, bây giờ tuổi cao sức yếu, nợ ngần ấy thóc quy ra tiền là hơn 20 triệu đồng, bà không thể lo trả được. Tuy nhiên, bà Suy bảo, bà chẳng thể ôm khoản nợ ấy xuống mồ.
"Vợ chồng tôi giờ cũng có tuổi rồi, chẳng đi đâu, làm gì nữa mà lo. Chỉ khổ thằng con trai tôi thôi, nợ ấy lại khoác lên vai nó", bà Suy rầu rĩ.
Ở Hà Vinh, người dân gọi khoản nợ "cha truyền con nối" là nợ Liễu Thăng. "Tôi không hiểu vì sao người ta gọi như thế, chỉ biết đó là khoản nợ từ đời trước để lại thôi", anh Vũ Văn Niên, con trai áp út của bà Suy chia sẻ.
Sở dĩ anh Niên phải gánh khoản nợ trên là bởi hiện tại anh đang chung hộ khẩu với bố mẹ mình.
"Không trả nợ thì không đi đâu làm ăn gì được vì nên xã xin giấy tờ, dấu má gì người ta cũng không cho. Chứng minh thư của tôi mất, muốn lên xã xác nhận để đi làm lại cũng không được", anh Niên cho biết.
Anh Niên lo lắng con không biết lấy gì ra để trả nợ Liễu Thăng khi con gái tới tuổi đến trường.
Theo anh Niên, nợ Liễu Thăng như vòng kim cô chụp xuống đầu, khiến đời anh chỉ còn là chuỗi dài những tháng ngày cơ cực.
"Sang năm con gái tôi đến tuổi đi học rồi, không trả nổi nợ không biết họ có xác nhận cho nó đi học hay không?", anh Niên lo lắng.
Thu vô tội vạ với cả… hộ nghèo
Hà Vinh có nhiều hộ được hưởng chính sách hộ nghèo. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ nghèo vẫn phải tham gia đóng góp nhiều khoản đáng ra đã được miễn.
Theo người dân ở "vùng quê khốn khổ" này thì gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh được xếp vào loại "nghèo bền vững" bởi 10 năm nay, gia đình ông Mạnh luôn "thừa điểm" trong những đợt bình xét hộ nghèo.
Ông Mạnh đi lại khó khăn sau cơn tai biến.
Nhà ông Mạnh tuềnh toàng, xộc xệch. Hôm chúng tôi đến, dù gần trưa nhưng bà Lụa, vợ ông Mạnh cùng cô con gái vẫn đang đi cắt cỏ thuê.
Nghèo khó nhưng trời không thương, 3 năm trước, ông Mạnh bị tai biến.
Khi ấy, tưởng ông không qua được nên gia đình đã chuẩn bị mọi thứ để tiễn ông về bên kia thế giới. Tuy nhiên, như có phép nhiệm màu, qua cơn nguy kịch, ông lại quay về cõi sống.
Không chết nhưng cơn tai biến đã khiến chân ông Mạnh hóa tật, đi lại cứ nhấp nhổm, loi choi.
Đầu óc ông cũng chẳng được minh mẫn như xưa. Khi bình thường thì lành như cục đất, nhưng khi lên cơn thì chẳng khác nào thú dữ, có thể gây gổ, đập phá, đuổi đánh bất cứ ai.
Theo "giấy thanh toán" vụ chiêm năm 2016, tuy là hộ nghèo nhưng gia đình 5 khẩu nhà ông Mạnh phải đóng tổng số tiền là hơn 2,3 triệu đồng. Trong đó, nhiều khoản được miễn bởi gia đình ông Mạnh là hộ nghèo vẫn bị xã tiến hành thu.
Cụ thể, trong phần thông báo thu của UBND xã, gia đình ông Mạnh vẫn phải đóng quỹ an ninh quốc phòng và quỹ phòng chống thiên tai.
"Tôi có thắc mắc với thôn nhưng họ bảo vẫn phải đóng. Một hai vụ nay người ta thu còn ít đấy chứ các vụ trước gia đình tôi phải đóng 5-6 triệu cơ", bà Nguyễn Thị Lụa, vợ ông Mạnh cho biết.
Bà Lụa cho biết, tuy là hộ nghèo nhưng gia đình bà vẫn phải đóng góp đầy đủ các khoản như các gia đình khác.
Chỉ còn nước mắt
Cũng được "hưởng" chế độ hộ nghèo như nhà ông Mạnh, nhưng gia đình anh Trần Văn Vinh ở thôn 10 lại được miễn không phải tham gia quỹ phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, quỹ an ninh quốc phòng gia đình anh vẫn phải đóng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Vinh bảo, không biết chữ nên xã, thôn thu khoản gì, miễn khoản gì anh cũng chẳng hay.
"Tôi chỉ quan tâm mỗi vụ gia đình mình phải đóng bao nhiêu rồi gắng sức lo cho đủ thôi", anh Vinh thật thà.
Giấy thanh toán vụ Chiêm 2016 của gia đình anh Vinh.
Vụ này (vụ chiêm năm 206), anh Vinh phải nộp hơn 7 triệu đồng cho 5 nhân khẩu. Trò chuyện hồi lâu, anh Vinh tiết lộ, đáng ra anh phải nộp 6 khẩu nhưng đứa út, dù đã gần 4 tuổi nhưng để… trốn sản, vợ chồng anh đã không làm khai sinh cho cháu.
Nửa năm phải đóng hơn 7 triệu đồng, theo anh Vinh, dù có làm như trâu như ngựa anh cũng thấy khó kham. Chính thế, để được có dòng chữ "hoàn thành 100% chỉ tiêu vụ Chiêm" gia đình anh đã phải chia ra đóng làm 3 đợt.
"Thực ra khi đó tôi phải lên xã xin dấu xác nhận hộ nghèo để con gái được giảm tiền học phí nên phải cố vay mượn đóng cho hết chứ không thì chắc hãy còn nợ. Không đóng hết họ không cho dấu đâu", chị Vũ Thị Hoa, vợ anh Vinh tức tưởi cho biết.
Dù gần 4 tuổi nhưng con gái anh Vinh vẫn chưa được gia đình làm giấy khai sinh vì muốn trốn phần đóng sản.
Nhắc tới chuyện nợ sản, chị Hoa lại nhớ chuyện gia đình mình bị cán bộ xã, thôn bắt con trâu cách đây chừng 4 năm.
Khi ấy, bởi chưa xoay được tiền đóng góp, tổ công tác của xã, thôn đã đến tận nhà chị… tạm thu con trâu khi gia đình đang buộc ở khe suối cạnh nhà.
"Bị bắt trâu, vợ tôi xót của chửi toáng lên. Nhưng chửi cũng chẳng ăn thua gì, người ta vẫn cứ kéo trâu đi. Sau đó tôi lại phải đi vay tiền để xuống nhà trưởng thôn chuộc trâu về", anh Vinh nhớ lại.
Tác giả bài viết: Thanh Đào- Minh Tuệ
Nguồn tin: