Con bò của gia đình anh Cảnh từng bị cán bộ thôn, xã bắt đi.
LTS: Sau khi Trí Thức trẻ đăng tải loạt bài "Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa", phản ánh những vấn đề liên quan đến việc huy động đóng góp của người dân ở xã Trường Sơn (huyện Nông Cống), ngày 17/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra nội dung báo chí phản ánh.
Ngày 5/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ông Nguyễn Đình Xứng đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng về việc này và nghiêm túc xử lý những sai phạm mà Trí Thức trẻ đã nêu.
Nhiều lần trao đổi với phóng viên, một vài vị lãnh đạo Thanh Hoá đã bày tỏ mong muốn Trí Thức trẻ tiếp tục chỉ ra những khuyết điểm, sai phạm xung quanh chuyện huy động đóng góp ở các địa phương để giúp tỉnh khắc phục "vấn nạn" này.
Hoan nghênh chỉ đạo kịp thời của tỉnh Thanh Hoá. Trên tinh thần xây dựng, cao hơn nữa là để người dân thôn quê còn nhiều cam khó thoát khỏi cảnh còng lưng đóng góp những khoản thu chưa đúng, quá sức, Trí Thức trẻ tiếp thực hiện việc điều tra này ở xã Hà Vinh, huyện Hà Trung.
Tước quyền khai sinh của con để "trốn" tiền đóng sản
Nhà anh Mai Văn Cảnh ở thôn 10, khuất lấp dưới chân núi đá vôi bạc trắng. Bố mẹ anh Cảnh ở ngoài làng, hơn chục năm trước, khi lấy vợ anh đã "di" vào đây để vỡ đất mưu sinh.
Tìm vào nhà anh Cảnh vào gần trưa vẫn thấy anh phơi mình làm cỏ cho đám ngô đã cao lấp ngực người.
Như nhiều gia đình khác ở Hà Vinh, dù chưa đầy 40 tuổi nhưng anh cảnh đã có tới 5 mặt con. Thấy nhà có khách lạ, mấy đứa nhỏ đang nô trên giường bỗng im bặt rồi cứ thế xúm xít bấu vào cổ bố.
Bởi nghèo, bởi khó khăn túng quẫn, gần nửa năm trước, anh Cảnh đã vay mượn để vợ đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tuy vắng bàn tay quán xuyến của vợ nhưng nhà cửa anh Cảnh gọn gàng, ngăn lắp.
"May mắn là mấy đứa con tôi nói thương bố mẹ nghèo khó nên cũng rất ngoan. Đứa lớn thì đang học cấp 3 ngoài huyện. Việc nhà cửa, chăm lo cho các em đều do đứa thứ hai đảm hết", chỉ cháu bé đang lúi húi quét dọn ngoài sân anh Cảnh tự hào.
Nói chuyện đóng góp, anh Cảnh bảo đó cũng chính là lý do vợ anh phải xa chồng, xa các con lang bạt xứ người. "Vợ tôi đi lần này là lần thứ hai rồi. Chục năm trước cũng vì túng thiếu quá nên cô ấy cũng phải xa gia đình", anh Cảnh chia sẻ.
Con gái út của anh Cảnh đã 4 tuổi nhưng vẫn chưa được khai sinh vì phải trốn tiền đóng góp.
Lần đi này, vợ anh Cảnh cũng đã gửi về hơn chục triệu đồng. Nhận khoản tiền nước mắt, mồ hôi của vợ ấy, anh Cảnh dành một phần trả những khoản nợ nóng, phần còn lại thì cất thật kỹ để dành thanh toán những khoản vay dài hơi.
"Tôi ở nhà thì cũng chỉ quanh quẩn ruộng vườn thôi. Cố gắng để không phải tiêu vào tiền của vợ nhưng xem ra khó lắm. Mấy đứa đi học lại thêm khoản đóng sản mỗi vụ vài triệu nữa, căng lắm!", anh Cảnh lo lắng.
Năm mặt con, thêm hai vợ chồng nữa là 7 khẩu, mấy vụ gần đây vụ nào gia đình anh Cảnh cũng phải đóng 5- 6 triệu đồng. Cá biệt, có vụ phải đóng tới gần chục triệu đồng.
Tuy nhà có 7 khẩu nhưng trên giấy thanh toán, xã, thôn chỉ thu có 6. "Nói thật với anh, ở đây trẻ con ẵm ngửa đã phải đóng các khoản như người lớn rồi, nhà tôi đóng có 6 khẩu là vì đứa nhỏ đang trốn đấy", anh Cảnh thật thà.
Theo anh Cảnh, con út của anh, cháu Mai Thị Thanh Trúc, năm nay vừa 4 tuổi, sở dĩ thoát khỏi "vòng xoáy đóng sản" là bởi gia đình… cố tình quên việc đăng ký khai sinh, vào hộ khẩu cho cháu.
"Ở đây cứ có tên trong hộ khẩu là cả xã và thôn đều đè nghiến ra thu tiền. Mỗi vụ vài trăm nghìn chứ không ít đâu!", anh Cảnh trần tình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Hà Vinh có nhiều gia đình phải đắng cay chấp nhận việc giọt máu do mình dứt ruột đẻ ra phải chậm khai sinh vài năm để trốn đóng sản.
Lý giải của mọi người là, mỗi năm một khẩu phải đóng tới vài trăm nghìn thì thà rằng cứ để đến khi 4-5 tuổi, lúc đi học mẫu giáo mới làm khai sinh, vào hộ khẩu thì đỡ phải đóng cả đống tiền.
"Khi đó ra ủy ban làm giấy khai sinh thà bị phạt một ít còn hơn", anh Cảnh chia sẻ.
Chưa kịp xoay tiền đóng sản, dân nghèo bị cán bộ thu bò
Gia đình ảnh Cảnh là hộ cận nghèo, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, với những cán bộ thôn, xã thì gia đình anh không có được sự ưu ái nào. Chậm đóng góp, cán bộ cũng chẳng vị tình. Họ vẫn có kế sách, phương pháp để gia đình anh phải xoay tiền đóng góp.
Những ngày cuối năm 2014, đầu 2015, xã, thôn tiến hành thu sản vụ mùa. Lần ấy, theo giấy thanh toán, gia đình anh Cảnh phải nộp hơn 4,5 triệu đồng.
Theo anh Cảnh, do chưa xoay được tiền đóng sản vụ cuối năm 2014 nên gia đình anh bị tạm giữ con bò.
Thời gian ấy, bởi công việc làm ăn gặp nhiều trắc trở nên dù "trống đóng sản đã dội thình thình" nhưng vợ chồng anh cũng chẳng biết trông cậy vào khoản nào để có tiền đóng góp.
"Cũng chẳng trây ì được đâu, không nộp trước thì phải nộp sau thôi, nhưng đợt đó gia đình tôi khó khăn quá!", anh Cảnh chia sẻ.
Không nộp tiền đúng tiến độ, như nhiều trường hợp khác ở địa phương, gia đình anh Cảnh đã bị tổ công tác của xã, thôn tìm tới.
"Họ nói không đóng tiền thì họ sẽ bắt con bò của gia đình tôi. Tôi biết họ nói là làm nên cũng sợ lắm!", anh Cảnh nhớ lại.
Thấy tổ công tác tỏ thái độ kiên quyết, anh Cảnh đã mếu máo van nài. "Cả nhà có mỗi con bò thôi, tôi phải vay tiền từ ngân hàng chính sách để mua những 16 triệu đấy, thế nhưng nói thế nào thì họ cũng không nghe", anh Cảnh cho biết.
Thấy người lạ đến dắt bò nhà mình, mấy đứa con anh Cảnh sợ xanh mặt. Mấy đứa lớn thì nước mắt ngắn dài bởi nghĩ từ nay sẽ không còn "bạn bò" để chăm bẵm nữa.
"Họ dắt bò của tôi xuống nhà văn hóa của thôn và buộc ở đấy! Cùng đường nên tôi cũng phải đi vay mỗi người một ít những mong chuộc được bò về", anh Cảnh nhớ lại.
Con bò nhà anh Cảnh bị xã, thôn bắt đi khi đang "bụng mang dạ chửa".
Anh Cảnh kể, thời điểm đó con bò của gia đình anh đang có chửa. Bởi sợ… "về với người ta" sẽ không được chăm bẵm như ở nhà nên ngay trưa đó, bỏ cả ăn uống, anh cuống cuồng tìm đến những nơi nào có thể để mượn tiền.
Chiều, khi đã chạy vạy khắp ngả, gom được một khoản kha khá thì anh Cảnh đến nhà trưởng thôn xin nộp. Như nhiều trường hợp khác, trao tiền xong, anh Cảnh được dắt bò về.
Sau lần bị cán bộ thôn, xã đến nhà bắt bò ấy anh Cảnh ở tịt trong núi, chẳng mấy khi ló mặt ra ngoài. Anh bảo, ở đây nhiều người lâm vào hoàn cảnh như anh nhưng dù có "người cùng cảnh ngộ" thì cũng xấu hổ với làng xã lắm.
"Đi đâu người ta cũng chỉ trỏ hỏi thăm, mình là đàn ông trụ cột trong nhà cũng thấy ngại", anh Cảnh ngượng ngùng.
Chính vì bởi ngại, muốn ngóc đầu lên nên hai vợ chồng đã nước mắt vắn dài suy tính để rồi đưa ra quyết định… phân ly.
"Tôi có sức khỏe thì ở nhà lo ruộng vườn, vợ tôi sẽ đi Đài Loan thêm một lần nữa. Mấy hôm chuẩn bị đi, thương chồng, xót các con cô ấy cứ khóc hoài", giọng buồn rười rượi, anh Cảnh kể.
Thu nợ kiểu… "xã hội đen"
Ở Hà Vinh, nhiều gia đình bị thu tài sản khi mỗi mùa đóng góp ập về.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Vũ Thị Mai ở thôn 5 vẫn chưa hết bàng hoàng dù gia đình chuyện gia đình chị bị cán bộ xã, thôn cưỡng chế chiếc xe máy, "cần câu cơm" của cả nhà diễn ra từ cuối năm 2014.
Chị Mai nhớ lại, vụ đó chị còn thiếu sản hơn 1 triệu đồng. Theo chị, bởi có chồng hiền nên mới bị cán bộ xã, thôn bắt nạt.
"Họ kéo đến 5-6 người. Ban đầu họ đòi thu bộ tràng kỷ của gia đình tôi nhưng tôi bảo, đó là tài sản của bố chồng tôi, tôi không đồng ý", chị Mai kể.
Không bê được bộ tràng kỷ, ngó quanh thấy chiếc xe máy dựng ở góc nhà, "tổ công tác" đã tới nhấc đi.
Chị Mai nhớ lại lần gia đình bị cán bộ đến thu giữ chiếc xe gắn máy.
Theo chị Mai, chiếc xe máy có giá hơn chục triệu của gia đình chị những công bộc của dân ấy tống vào nhà bếp của ông trưởng thôn. Nửa tháng sau, khi xoay đủ tiền chị mới rón rén sang chuộc về.
Về Hà Vinh hỏi chuyện dân không đủ tiền đóng góp bị cán bộ cưỡng chế tài sản, nhiều người đã chỉ đường để chúng tôi tìm vào khu Bãi Trát. Nơi đó có hộ gia đình ông Hoang Văn Chính đang sinh sống.
Giống như gia đình anh Cảnh, ông Chính cũng rời làng vào khu đồi mênh mông này để tiện bề khai khẩn đất hoang, tăng gia vườn tược. Tuy cách trung tâm vài cây số nhưng gia đình ông Chính vẫn thuộc "biên chế" của thôn 10.
Sở dĩ ông Chính được được mọi người giới thiệu là bởi gia đình ông từng hai lần bị cán bộ cưỡng chế tài sản.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Chính bảo, cả hai lần cán bộ đến cưỡng chế tài sản, ông đều đang lang bạt mưu sinh ngoài Hà Nội. "Tôi đi làm ăn xa chưa kịp mang tiền về nộp nên người ta mới đến thu", ông Chính cho biết.
Theo trí nhớ bà Bùi Thị Hoàng, vợ ông Chính, lần đầu tiên gia đình bị cưỡng chế là vào năm 2005. Khi đó cán bộ đã xộc vào tận chuồng để bắt đi đôi lợn. Lần thứ hai thì vào năm 2010, cán bộ đến nhà nhấc đi chiếc ti vi.
"Nói thật với các anh, nhắc lại những chuyện này đến bây giờ tôi còn thấy sợ. Lần bị bắt ti vi ấy, tôi đang bế cháu ngoài sân, họ vào lấy mà chân tay tôi luýnh quýnh chẳng biết giữ lại thế nào", giọng thất thần, bà Hoàng kể lại.
Chiếc ti vi nhà ông Chính từng bị tạm thu.
Khi những đoàn cưỡng chế khuất bóng, mếu máo, bà Hoàng mới gọi điện cho chồng. Nhận tin dữ từ quê nhà, ngay sáng hôm sau, gom tiền công thợ, ông Chính vội vã bổ về.
Vừa thấy bóng ông, bà Hoàng đã tức tưởi: "Ông ơi khổ quá! Nhà tiền chả có, họ lấy mất ti vi rồi ông ơi!".
Thấy vợ thảm thiết não ruột thối gan, bực mình ông định buông lời quát. Thế nhưng, nghĩ lại thấy việc người ta đến bắt tài sản cũng là do lỗi ở mình nghèo nên ông đã cố kìm.
Cất đồ đạc, ông lấy xe phóng xuống nhà trưởng thôn. Sau khi đóng xong hơn 1,5 tiền sản còn thiếu, bê ti vi ra xe ông lại đèo về.
Trên đường về, nhiều người còn tưởng ông mua ti vi mới.
Như là… cướp cạn
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịnh HĐND xã Hà Vinh (trước đây là Phó Chủ tịch UBND xã, người từng tham gia nhiều đoàn cưỡng chế theo sự phản ánh của người dân) thừa nhận, việc cưỡng chế tài sản khi dân không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp là có thật.
Theo ông Tuấn, đến mùa đóng góp, các thôn sẽ làm danh sách thống kê những hộ nào còn nợ đọng tiền sản rồi báo lại cho xã. Trên cơ sở đó, xã sẽ thành lập tổ công tác gồm có UBND, MTTQ cùng các tổ chức đoàn thể khác để đến nhà… "vận động".
Theo ông Tuấn, sau khi vận động mà hộ gia đình đó vẫn không nộp thì phải dùng đến biện pháp thế chấp tài sản.
"Ví dụ như anh có con bò thì phải làm biên bản tạm giữ là do anh chiếm dụng mà có. Chúng tôi chỉ tạm giữ thế là mai họ mang tiền đến thì lại trả", ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn thừa nhận việc cưỡng chế tài sản để ép dân nộp tiền.
Theo ông Tuấn, 2-3 năm gần đây xã không thực hiện việc tạm giữ tài sản mỗi khi dân chậm nộp sản nữa.
"Bây giờ gia đình (ra xã- PV) xin cho con em chuyển khẩu, hoặc đăng ký kết hôn… thì yêu cầu anh phải nộp", ông Tuấn nói về cách thức mới để ép người dân nộp tiền.
"Nói chúng là quản lý (thu sản- PV) bằng cách này cũng được ít lắm. Nói chung là vẫn phải phục vụ nhân dân", ông Tuấn cho biết.
(Còn nữa)
Tác giả bài viết: Thanh Đào- Minh Tuệ
Nguồn tin: