Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt cóc giàu đạm, kẽm (100gr bột cóc có 55,4g đạm và 65mg kẽm). Tuy nhiên, ngoài đạm và kẽm, thịt cóc không có thêm bất cứ thành phần dinh dưỡng nào khác. Trong khi đó, lượng đạm trong thịt cóc so với thịt lợn, gà, ếch thì không nhiều hơn. Ngoài ra, lượng kẽm có trong thịt cóc cũng ít hơn hải sản (sò, hến, hàu). Lượng canxi, vitamin D gần như không có trong thịt cóc.
Trong khi đó, trẻ bị còi xương, nguyên nhân chủ yếu là do không hấp thụ được canxi, mà trong thịt cóc, lượng canxi, vitamin D rất nghèo nàn. Như vậy, trên thực tế thịt cóc không phải là thần dược hỗ trợ trẻ trong việc điều trị bệnh còi xương, biếng ăn như lời đồn thổi.
Vì thế, ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu chậm lớn, nhẹ cân, ăn không ngon, hay quấy khóc, đầy bụng, táo bón, ngủ hay giật mình, đổ mồ hôi, rụng tóc, chậm mọc răng, chậm các khả năng lật, bò, bị biến dạng lồng ngực, xương sườn cong, vòng cổ tay, cổ chân phình to bất thường, đầu méo… thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Không nên tự ý bổ sung canxi và vitamin D cho trẻ nếu không có hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt là không nên cho trẻ ăn thịt cóc bởi nguy cơ ngộ độc thịt cóc là rất cao.
Bởi, ở một số bộ phận của con cóc như gan, trứng, da, mủ, mắt, hạc thần kinh chứa rất nhiều độc tố bufotoxin, có thể gây tử vong trong thời gian rất ngắn.
Đặc biệt, tỉ lệ gây tử vong ở thịt cóc rất cao. Ngoài ra, ở một số con cóc còn chứa độc tố tetrodotoxin tăng thêm nguy hiểm khi cho trẻ ăn. Chưa kể, độc tố của thịt cóc không hề bị phân hủy ở nhiệt độ cao như nấu sôi, chiên xào…
Trường hợp bị ngộ độc thịt cóc sau khi ăn trẻ thường có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Để tránh những rủi ro không đáng có, tốt nhất các bậc cha mẹ không nên cho con ăn thịt cóc.
Tác giả bài viết: T.M