“Thò mặt là đuổi” và tâm lý cục bộ địa phương

Admin
Chỉ biết giữ nồi cơm của mình, dù có lợi trong ngắn hạn, chính là tự xoá đi cả bếp ăn của địa phương trong dài hạn.

Tôi quê ở Nghệ An, và cũng giống như nhiều người xứ Nghệ tha phương khác, tôi hay được gọi là dân "cá gỗ". Nhưng tôi cảm thấy bớt tự ái hơn một chút nếu nghĩ về những người hàng xóm phía bắc vốn bị kì thị thậm tệ hơn: Thanh Hóa “ăn rau má, phá đường tàu”, hay cả về phía nam với “Quảng Bình khoai khoai toàn khoai”. Những kiểu kì thị địa phương như vậy không phải là hiếm ở nước ta, là chỉ dấu cho thấy tư duy cục bộ ăn sâu bám rễ trong tiềm thức mỗi người.

Nhưng đô thị hóa xóa nhòa rất nhanh ranh giới vùng miền. Ở những đô thị lớn như Hà Nội và Sài Gòn, phần đông là dân nhập cư, xuất thân từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hội nhập quốc tế cũng dẫn đến hội nhập vùng miền, khi kinh tế địa phương phụ thuộc lẫn nhau, xóa bỏ rào cản tư tưởng ngăn sông cấm chợ từ thời bao cấp. Việc “anh quê ở đâu” không còn là mối quan tâm lớn trong những cuộc chuyện trò hay phỏng vấn xin việc.

Nhưng đó là câu chuyện của người dân. Với nhiều lãnh đạo địa phương, dường như thời gian vẫn dừng lại ở năm 1986. Vừa qua, công chúng được một phen cười ra nước mắt khi các chủ tàu ở Hải Phòng phàn nàn rằng bên phía Quảng Ninh không cho phép họ đưa khách tham quan vịnh Hạ Long, nếu như không vào đăng ký xuất bến ở Quảng Ninh. Ngược lại, tàu từ Quảng Ninh cũng không được phép đưa khách sang đảo Cát Bà, vốn là địa bàn thuộc Hải Phòng. Việc này không khác nào yêu cầu tàu thuyền phải được “cấp visa” khi đi qua hai tỉnh láng giềng của miền Đông Bắc.

Đó hẳn nhiên là một quy định phi lý, dù bào chữa như thế nào chăng nữa. Ở một quốc gia toàn vẹn lãnh thổ, người dân có quyền đi lại tới bất kì nơi nào họ muốn mà không bị phân biệt đối xử. Những rào cản kỹ thuật, nếu có, phải được áp dụng chung cho tất cả pháp nhân ở nước đó, bất kể nguồn gốc xuất xứ. Một con tàu được đăng kiểm hợp pháp, có đủ tiêu chuẩn hoạt động trên vịnh Hạ Long, tại sao buộc họ phải đăng ký lại và thậm chí có trụ sở ở Quảng Ninh?

Quy định kiểu một mình một chợ này, tuy thế, không chỉ là đặc sản của miền đất mỏ. Hải Phòng, không chịu thua kém, năm ngoái từng gây xôn xao khi yêu cầu các doanh nghiệp có hàng xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng ở đây phải nộp một khoản phí gọi là “phí hạ tầng”. Ở nhiều tỉnh thành khác, hiện tượng này cũng rất phổ biến. Tính trong năm 2017, văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương tăng 20,5% so với năm 2016. Tính cục bộ, lợi ích nhóm của địa phương được cho là một trong những nguyên nhân chính cho thực trạng này.

Câu chuyện ở vịnh Hạ Long, vì thế, không đơn giản là những quy định phi lý. Đó là bài toán lớn hơn về việc hợp tác, liên kết vùng của các địa phương, thay vì tâm lý “ăn cây nào rào cây ấy”, khư khư giữ lấy nồi cơm của mình mà gây thiệt hại đến sự phát triển chung của đất nước.

Trước và trong thời kì bao cấp, cục bộ địa phương chủ yếu là hiện tượng của cá nhân. Đến giai đoạn kinh tế thị trường, cục bộ là câu chuyện về quản lý nhà nước.

Kinh tế thị trường một mặt thúc đẩy tự do kinh tế, nhưng mặt khác khiến các địa phương cạnh tranh khốc liệt với nhau để tăng nguồn thu. Hàng năm, các tỉnh ganh đua với nhau ở bảng xếp hạng Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi “kịch trần” để thu hút FDI và doanh nghiệp trong nước. Nhìn chung đây là một hiện tượng tốt: nhờ cạnh tranh, môi trường kinh doanh của cả nước được cải thiện đáng kể trong vài năm qua. Thậm chí trong bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới năm 2018, Việt Nam còn vượt lên trên nước láng giềng Trung Quốc đến 10 bậc (68 so với 78).

Tuy nhiên, cũng giống như các cuộc đua xuống đáy khi các doanh nghiệp Việt dìm nhau về giá để lấy thị phần xuất khẩu, cạnh tranh khiến nhiều tỉnh thành cố gắng đạt chỉ tiêu bằng mọi giá, bất chấp thiệt hại cho các địa phương khác. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà tư vấn nước ngoài thường nhắc nhở doanh nghiệp khi bước vào Việt Nam rằng, ở quốc gia này có 63 thay vì chỉ một điểm đến duy nhất. Quy định của Quảng Ninh, như một số hãng tàu ở Hải Phòng “tố”, cũng chỉ xoay quanh mục tiêu mỗi năm phải thu về 600 tỷ đồng từ vé tham quan vịnh Hạ Long.

Đến đây, trách nhiệm quản lý thuộc về chính quyền trung ương. Việc thống nhất các quy định và cụ thể hoá quyền và nghĩa vụ của địa phương là yêu cầu thiết yếu. Tuy Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ năm 2016, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào. Thêm vào đó, bộ luật này cũng cần phải chờ hợp nhất một số điều từ Luật Quy hoạch, vốn có hiệu lực từ năm 2019.

Hơn nữa, khung khổ pháp lý cũng cần phải đi kèm với hoạt động giám sát và chế tài đủ mạnh. Xu hướng gia tăng các văn bản trái luật được ban hành là rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn. Sẽ khó có thể yêu cầu các cơ quan trung ương nắm hết thông tin, nội dung chỉ đạo từ địa phương, bởi thế, việc khuyến khích người dân và doanh nghiệp cùng tham gia giám sát là rất cần thiết.

Quan trọng hơn vẫn là phải thay đổi được não trạng cục bộ của một số lãnh đạo các địa phương. Một tỉnh không phải là một đơn vị hành chính cô lập, mà cần liên kết với các địa phương khác để phát huy hết tiềm năng. Khi biết bổ trợ cho nhau, thì đất nước mới có sức mạnh thống nhất của 63 tỉnh thành, chứ không phải là những mảnh ghép rời rạc dẫm lên chân nhau. Chỉ biết giữ nồi cơm của mình, dù có lợi trong ngắn hạn, chính là tự xoá đi cả bếp ăn của địa phương trong dài hạn.