Thông điệp sấm sét của Israel gửi theo "tia chớp" F-35 trên bầu trời Syria

Admin
Không chỉ là màn phô diễn sức mạnh hàng đầu trước đối thủ Iran, tiêm kích tàng hình F-35 của Israel bay lượn ở Syria còn mang đến một thông điệp khác dành cho Mỹ.

 Israel là quốc gia đầu tiên ở Trung Đông sở hữu máy bay tàng hình.

Trong thông báo được đưa ra hôm 22/5 bởi Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Amikam Norkin, lần đầu tiên Telaviv tiết lộ những chiếc F-35 của nước này đã tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng trong thời gian qua.

Tuyên bố hé lộ về chi tiết hoạt động của F-35 của ông Norkin được đưa ra tại một hội nghị ở Israel với sự có mặt của các chỉ huy lực lượng không quân từ 20 quốc gia.

Đây được coi là một thông điệp công khai gửi tới các đối thủ của Israel trong khu vực, nói rằng Lực lượng Không quân Israel (IAF) hiện nay đã có có khả năng “tàng hình” và là lực lượng không quân đầu tiên ở Trung Đông có khả năng thoát khỏi các hệ thống radar và hoạt động trong môi trường địch mà không bị phát hiện, theo Haaretz.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhiệm vụ mà chiếc F-35 của Israel tham gia đều cần đến khả năng này. Trong cuộc không kích nhằm vào đường hầm của Hamas trên biên giới Dải Gaza - dù Hamas không có radar - nhưng F-35 đã được sử dụng cho nhiệm vụ tương đối đơn giản như một cách để chứng tỏ khả năng đa dạng của loại chiến đấu cơ đến từ Mỹ.

Israel “khoe” chiến đấu cơ tàng hình với Trung Đông

Khả năng hoạt động trong các khu vực được bao bọc mạng lưới phòng không địch cho phép F-35 không chỉ tấn công mà còn phát hiện và theo dõi các mục tiêu mà còn truyền thông tin về cho các chiến đấu cơ “không tàng hình” khác.

Điều này cho phép phi đội thực hiện các đợt tấn công độ chính xác cao hơn và giảm thiểu nguy cơ va chạm với tên lửa phòng không địch.

Do chi phí cao, bảo trì chuyên sâu, trọng tải hạn chế và giá trị chiến lược của máy bay chiến đấu tàng hình mà hầu như tất cả lực lượng không quân - ngay cả Mỹ - cũng vẫn còn ngần ngại trong việc sử dụng loại vũ khí này trở thành lực lượng thường xuyên và dần loại bỏ các loại chiến đấu cơ thường trong tương lai gần.

Một trong những câu hỏi làm đau đầu các nhà hoạch định quân sự là làm thế nào để đạt được sự cân bằng tốt nhất, hoặc có được sự “kết hợp” giữa máy bay thế hệ thứ tư và thứ năm, cho phép một lực lượng không quân trong thế kỷ 21 vận hành phù hợp cả về hiệu quả lẫn chi phí.

Trong quan điểm của Israel, các sĩ quan cao cấp của IAF cho rằng F-35 như một vũ khí tăng cường “hệ số sức mạnh”, cho phép các máy bay chiến đấu đời cũ hơn thực hiện các nhiệm vụ táo bạo hơn.

Tuyên bố của Israel về những chiếc F-35 xuất hiện trong tình hình căng thẳng hiện tại ở biên giới phía Bắc Israel với Iran.

 F-35 có khả năng thoát khỏi các hệ thống radar tân tiến của địch.

Về mặt công nghệ, sự xuất hiện của F-35 với khả năng độc đáo của chiến đấu cơ này được coi là khởi đầu thế hệ không quân mới của Israel. Lần cuối cùng IAF trải qua một quá trình chuyển đổi thế hệ như vậy là vào năm 1976 khi những chiếc F-15 đầu tiên được đưa vào hoạt động.

Vào thời điểm đó, chỉ huy IAF David Ivri rất háo hức muốn bắt đầu vận hành bốn chiếc F-15 đầu tiên, ông đã chấp nhận ba chiếc máy bay nằm trong chương trình thử nghiệm đưa vào hoạt động.

Nhiều năm sau, ông giải thích rằng bản thân sẵn sàng dùng những chiếc máy bay này – dù chúng không có tất cả các hệ thống điện tử của phiên bản chính hay trải qua các đợt thử nghiệm khắt khe - "vì mục đích để cả Trung Đông biết rằng Israel đã có những chiếc F-15, chiến đấu cơ tốt nhất trên thế giới”.

Thông điệp cho kẻ địch, lời khen cho đồng minh

Với F-35 mới, Israel đưa vào Trung Đông làm nhiệm vụ từ rất sớm. Trong khi các khách hàng nước ngoài khác đều tập trung vào hoạt động đào tạo ở Mỹ và sử dụng các cơ sở không quân của Mỹ để cho phi công của họ có những trải nghiệm bay ban đầu, IAF lại không muốn đi theo trình tự này.

Tất cả các khóa đào tạo phi công đầu tiên của Israel đều thực hiện trên mô phỏng. Lần đầu tiên một phi công Israel thực sự cất cánh trên chiếc F-35 là từ sân bay Nevatim ở Negev vào tháng 12/2016.

Trong số các lý do cụ thể mà IAF thúc đẩy F-35 đi vào phục vụ từ sớm, xuất phát từ việc các lực lượng của Iran gần đây đang cố gắng tăng cường năng lực không quân gần biên giới Israel bằng cách sử dụng các căn cứ ở Syria và làm việc với chính quyền Assad để cải thiện các hệ thống phòng không.

Ngoài ra, một bối cảnh khác đã thay đổi trong hai năm qua là sự hiện diện của quân đội Nga, với các hệ thống phòng không S300 và S400 tiên tiến.

Trong khi Israel và Nga có một hệ thống “ngăn xung đột” hiệu quả để đảm bảo hai quốc gia không đối đầu với nhau trên Syria - sự hiện diện của Nga - cũng như của các lực lượng không quân khác hoạt động trong khu vực với cường độ ngày càng tăng là điều Tel Aviv cần có giải pháp ứng phó của riêng mình.

Israel là quốc gia đầu tiên sử dụng các chiến đấu cơ chính của Mỹ thực hiện các nhiệm vụ thực chiến, bao gồm chiếc F-15 và chiếc F-16. Thành công của IAF, trên thực tế giúp tăng doanh thu, cho chính các nhà sản xuất Mỹ.

Thông báo của Tư lệnh Norkin không chỉ dành cho kẻ thù của Israel mà còn cho cả đồng minh của nước này.

Thông tin về những chiếc F-35 đã được thử nghiệm thành công trong thực chiến sẽ làm vui lòng đối với nhà thầu quân sự. "Lockheed Martin cần sự thúc đẩy này", một quan chức IAF nói trong tuần này.

“Đó là lý do tại sao họ đã được chuẩn bị để làm tất cả mọi thứ chúng tôi yêu cầu và Israel luôn nhận được máy bay sớm trước bất kỳ người mua nào khác”.