Pin điện thoại được xem như phần cứng quan trọng nhất trên thiết bị, vì nếu không có nó chẳng có chức năng nào có thể hoạt động được. Tuy nhiên, những tuyệt tác của công nghệ pin Lithium Ion vẫn còn là bí ẩn với nhiều người sử dụng smartphone.
Trong khi không cần thiết phải có kiến thức toàn diện về các chất hóa học làm nên nguồn điện năng cho các thiết bị cầm tay hay tablet này, việc hiểu các thuật ngữ cơ bản, ví dụ như mAh, sẽ rất hữu ích khi bạn muốn mua chiếc điện thoại.
Vậy mAh là gì? Tại sao chữ A ở giữa luôn được viết hoa
Dù là một thông số phổ biến trong điện thoại hay tablet, nhưng có lẽ ít người để ý tại sao lại như vậy. Lý do khá đơn giản, chữ "A" viết tắt cho ampere, đơn vị đo cường độ dòng điện. Trong hệ thống Đơn vị Quốc tế ISU, ampere luôn được viết tắt là chữ A được viết hoa. Đơn vị mAh là viết tắt cho “mili ampere giờ”, và nó là đơn vị biểu hiện khả năng trữ điện của các viên pin nhỏ.
Với các viên pin lớn hơn, như pin cho ô tô điện, chúng ta thường sử dụng đơn vị Ah, hay ampere giờ. Con số 1.000 mAh bằng một Ah. Thông số mAh được tính toán bằng cách lấy quãng thời gian mà viên pin được sử dụng (đơn vị giờ) nhân với cường độ dòng điện theo đơn vị mili ampere.
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực sự nó không tệ đến thế. Nếu bạn có một viên pin nhưng không biết dung lượng của nó là bao nhiêu, vậy tất cả những gì bạn phải làm là xả viên pin đó với dòng 1.000 mA và xem nó xả được bao lâu đến khi cạn pin. Nếu quãng thời gian đó kéo dài trong vòng một giờ, vậy là bạn đã có một viên pin 1.000 mAh. Nếu nó kéo dài được 7 tiếng 30 phút, tức là bạn đang cầm trong tay viên pin 7.500 mAh.
Trên thực tế, tốc độ của dòng xả thay đổi không chỉ giữa các thiết bị khác nhau, mà còn giữa những người dùng khác nhau nữa. Cho dù phần mềm quản lý pin của chiếc smartphone dù rất hiệu quả, nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì mấy nếu bạn liên tục để màn hình sáng và bật các ứng dụng ngốn pin liên tục.
Do vậy, dù thông số mAh là một ý tưởng hợp lý để ước đoán viên pin sẽ hoạt động trong vòng bao lâu, nhưng con số này không giúp nói lên toàn bộ câu chuyện. Đó là lý do tại sao việc xem các bài review và những trải nghiệm của người dùng khác đóng vai trò quan trọng như vậy trong việc mua một chiếc smartphone.
Bên cạnh các yếu tố như tốc độ và độ thẩm mỹ của thiết bị, thời lượng sử dụng pin cũng là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến trải nghiệm của người dùng. Một trong những điều người dùng thường xuyên phàn nàn về thiết bị của mình là pin đã cạn kiệt chỉ sau nửa ngày sử dụng. Nếu bạn muốn một trải nghiệm tích cực hơn, thông số mAh là một trong những tiêu chí bạn nên chú ý đến.
Vậy tôi có thể thay một viên pin khác tốt hơn khi hết pin không?
Đúng là bạn có thể làm thế, nếu bạn đang sống trong những ngày của năm 2010. Hiện giờ ngày càng khó tìm thấy một chiếc Android cho phép bạn thay thế pin. Hầu hết các nhà sản xuất không còn làm thiết bị của mình với pin rời nữa.
Không thể tin được, sao lại thế?
Vấn đề là chúng ta đang mắc kẹt trong một cuộc chạy đua vũ trang giữa pin và bộ xử lý. Pin Llithium Ion thực sự là một điểm sáng của thập kỷ 90. Kể từ đó đến nay, các tiến bộ công nghệ đã đạt đến mức tăng mật độ lưu trữ của các viên pin này lên gấp ba lần. Rất ấn tượng đấy chứ? Một viên pin hiện đại giờ chỉ có kích thước bằng một phần ba so với người anh em của nó trong những năm 90.
Tuy nhiên, số lượng bóng bán dẫn trên các bộ xử lý đã tăng gấp 1.000 lần trong cùng thời gian đó. Điều đó có nghĩa là bạn đang cầm trên tay một thiết bị di động của tương lai – với khả năng chạy được công nghệ thực tại ảo và kiết xuất đồ họa 3D trên một màn hình AMOLED đầy rực rỡ – thì công nghệ pin của những thiết bị đó vẫn từ năm 1999.
Sức mạnh bộ xử lý đã bỏ xa sức mạnh của pin đến mức các nhà sản xuất đang phải làm mọi thứ có thể để nhồi nhét dung lượng pin vào trong các thiết bị này càng nhiều càng tốt – nhưng cũng chỉ để chúng có thể sống sót trong một ngày sử dụng. Một vấn đề khác làm các nhà sản xuất từ bỏ pin rời là do người dùng đang muốn những thiết bị càng mỏng càng tốt, còn các viên pin thì lại tốn quá nhiều không gian.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của những nhà sản xuất. Nếu bạn muốn pin điện thoại có thể thay thế, bạn phải bọc nó trong một lớp vỏ bảo vệ tương đối cồng kềnh để nó an toàn với người dùng. Chiếc vỏ đó không làm tăng dung lượng pin của thiết bị, nhưng nó lại chiếm không ít không gian. Và không gian đang là một trong những ưu tiên của smartphone ngày nay. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất đang dần theo hướng niêm phong chúng lại.
Thật tồi tệ, vậy mọi thứ có thể tốt hơn được không?
Tất nhiên chúng ta có thể mơ về điều đó. Hiện tại công nghệ đang chịu trách nhiệm giúp dữ liệu di chuyển nhanh hơn, hiệu năng mạnh hơn, các video chi tiết hơn, các trò chơi điện tử nặng hơn và các màn hình đẹp hơn, tất cả những điều này đều xoay quanh định luật Moore. Nhưng đáng tiếc, chúng ta đơn giản không thể thấy những tiến bộ tương tự trong lĩnh vực pin Lithium Ion.
Ít nhất chúng ta cũng đang chứng kiến một số tiến bộ trong công nghệ pin. Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm các vật liệu khác nhau để có thể thay thế hoàn toàn Lithium Ion, và các phát minh khác để thu gọn những viên pin công nghệ cũ theo các cách thật bất ngờ.
Ví dụ, một công nghệ mới pin mới xuất hiện là pin điện phân Li-imide, giúp ngăn chặn quá trình sản sinh ra axit HF (Hydro Flouric). Công nghệ này không chỉ giúp kéo dài thời gian sử dụng pin và tạo ra ít nhiệt, mà còn làm pin ít bị phồng hơn.
Nghe có vẻ khó tin, nhưng pin luôn phồng lên trong suốt vòng đời sử dụng của nó, điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất smartphone phải tạo ra những vùng trống bên trong thiết bị để cho phép sự mở rộng này. Như đã đề cập trước đây, không gian đang là yếu tố quan trọng, vì vậy nếu bạn có thể làm một viên pin ít phồng hơn, dù chỉ là một vài milimet, bạn cũng có thể làm tăng dung lượng pin.
Đến lúc này, có thể bạn không còn tin rằng mọi thứ sẽ diễn ra tốt hơn nữa. Nhưng đó chỉ là trong thời gian sắp tới, rất khó để có một bước đột phá lớn. Nhưng nếu bạn là một người dùng phụ thuộc vào smartphone, sẽ rất đáng để bạn đầu tư vào một thiết bị cồng kềnh hơn, nhưng có thông số mAh cao hơn những chiếc flagship siêu mỏng như dao cạo.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hải