Thủ khoa ĐH Kinh tế Đà Nẵng ước mơ trở thành giảng viên

Admin
Với 29 điểm khối A1, Nguyễn Phan Chánh Đạt là thí sinh dự thi vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng có điểm số cao nhất. Tân thủ khoa chia sẻ: “Em đã dự thi vào ngành Kiểm toán và muốn sau này có cơ hội học hỏi nhiều hơn nữa để có thể trở thành giảng viên chuyên ngành mà em yêu thích.”

Nguyễn Phan Chánh Đạt là cựu học sinh lớp 12A2 THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), điểm số 3 môn khối A1 của tân thủ khoa ĐH Kinh tế Đà Nẵng là Toán 9,6; Lý 10 và tiếng Anh 9,4 điểm.

 Nguyễn Phan Chánh Đạt - tân thủ khoa ĐH Kinh tế Đà Nẵng

Đạt chia sẻ, khi thi xong, dò với đáp án của Bộ GD-ĐT, em đã tự chấm đúng kết quả điểm thi của mình. Nhưng đến khi có kết quả thi, em cũng rất hồi hộp. Chị Thuần Nhi, chị gái Đạt là người đầu tiên trong nhà “mạnh dạn” lên mạng dò kết quả điểm thi. Và bất ngờ khi biết em trai đạt được 29 điểm. Bất ngờ và vui hơn nữa với cả nhà là Đạt đỗ thủ khoa vào trường học mà em đăng ký dự thi.

 Chánh Đạt và chị gái Thuần Nhi

Đạt là học sinh giỏi toàn diện suốt 12 năm liền, và là học sinh chuyên Toán chuyển từ Trường THCS Nguyễn Khuyến đến THPT chuyên Lê Quý Đôn. Thành tích mới nhất của em với môn Toán là giải Nhất học sinh giỏi Toán toàn thành phố Đà Nẵng năm học lớp 12.

Các môn học tự nhiên em học rất tốt. Song ngay từ khi bắt đầu vào bậc THPT, em đã dự định thi khối A1 vào đại học, vì với Đạt, môn Ngoại ngữ là rất cần thiết. “Em tự tin với lực học các môn tự nhiên, song em nghĩ môn Ngoại ngữ là rất cần thiết cho dù sau này mình làm gì, cho nên em đã chọn khối A1 để trau dồi môn Ngoại ngữ. Chị Thuần Nhi học trước, có năng khiếu môn học này, nên bày cho em phương pháp học hiểu quả theo lối thực hành để khắc sâu kiến thức chứ không học lý thuyết suông”.

Chia sẻ về phương pháp học tập của mình, Đạt cho biết em coi trọng cả phần lý thuyết và thực hành ở tất cả các môn học. Vì lý thuyết có vững thì mới có nền tảng để thực hành, làm bài tập nâng cao. Và việc học là việc thường xuyên chứ không phải để “nước đến chân mới nhảy”. Nên hàng ngày em sắp xếp thời gian biểu hợp lý, cuối tuần đi đá bóng với bạn, thư giãn giữa giờ học để “tái tạo năng lượng”. Và đặc biệt là không thức khuya để học vì khi lúc đó có học thì cũng không hiệu quả mấy.

Đối với môn sở trường là môn Toán, khi phải thay đổi từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm, em đã rất lo lắng. Nhưng khi được các thầy ở trường hướng dẫn phương pháp học phù hợp và hiệu quả, làm sao để tìm ra được đáp án nhanh và chính xác nhất. “Nếu như các năm trước em đã tham khảo rất nhiều bộ đề thi môn Toán theo hình thức tự luận. Thì năm nay, em tập trung ôn thi theo ngân hàng đề thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT và của Sở GD-ĐT Đà Nẵng.

Thêm vào đó, em được các thầy ở trường hướng dẫn phương pháp giải toán theo hình thức trắc nghiệm hiệu quả. Nên khi có thông báo thay đổi hình thức thi môn Toán, em có lo lắng, song trước ngày thi thì em tự tin hơn. Theo Đạt, yếu tố bình tĩnh cũng rất cần thiết khi làm bài thi trắc nghiệm, vì có khi hấp tấp một chút là có thể chọn sai đáp án dù câu đề không phải quá khó.

Điểm số rất cao, song Đạt lại chọn một ngành học không quá “hot” là Kiểm toán. Nhưng với Đạt, đây là ngành học đúng nguyện vọng của mình. Do đó mà trước sau khi thi, Đạt vẫn chỉ có một nguyện vọng dự tuyển vào ngành học này, không thay đổi. “Từ nhỏ, em đã rất thích những con số, thích toán học, và em đã chọn một chuyên ngành rất liên quan với sở thích của mình là Kiểm toán. Dự định xa hơn, em muốn học chuyên sâu ngành học và ước mơ trở thành giảng viên chuyên ngành mà em yêu thích” - Đạt nói.

Thuần Nhi, chị gái của Đạt, cũng xác nhận em trai của mình hợp với ngành Kiểm toán. “Về việc học tập, tự em Đạt rất có ý thức, nên gia đình rất tin tưởng em, và để em được tự chủ trong việc học của mình. Từ nhỏ, em đã tính nhẩm rất nhanh, và có năng khiếu môn Toán. Tính em Đạt lại cẩn thận, tỉ mỉ, nên em chọn ngành Kiểm toán, gia đình ai cũng thấy là phù hợp và ủng hộ em”.