Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi quyền bình đẳng với vùng biển quốc tế

Admin
Thủ tướng Modi kêu gọi bình đẳng ở vùng biển quốc tế khi phát biểu khai mạc diễn đàn an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.

 Thủ tướng Ấn Độ phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2018. Ảnh: AFP.

"Tất cả chúng ta nên có quyền bình đẳng với việc tiếp cận, sử dụng các vùng biển và không phận quốc tế. Điều này đòi hỏi quyền tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế", Reuters dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua phát biểu đề dẫn, khai mạc Đối thoại quốc phòng Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ không chỉ trích trực diện Trung Quốc và những yêu sách chủ quyền phi lý của nước này trên Biển Đông. "Ấn Độ không coi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là chiến lược hoặc tập hợp của một số quốc gia giới hạn, chúng tôi cũng không có ý nhắm vào bất kỳ nước nào", Thủ tướng Modi phát biểu.

Thuật ngữ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" đang được sử dụng nhiều trong các cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh của Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản trong thời gian gần đây, thay thế cho "châu Á - Thái Bình Dương", vốn bị nhiều người cho rằng tập trung quá nhiều vào Trung Quốc.

Ấn Độ và vai trò khu vực của nước này là trọng tâm của hội nghị năm nay, khi các nước tìm cách đối phó với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Washington nhấn mạnh quan hệ quân sự với New Delhi, cũng như tầm quan trọng của Ấn Độ Dương trong tư duy chiến lược của Mỹ.

Đối thoại Shangri-La diễn ra từ ngày 1/6 đến 3/6 tại Singapore, với sự tham gia của hơn 500 quan chức quốc phòng và học giả từ 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sự kiện được chia làm nhiều phiên họp, bàn về các vấn đề như công nghệ chiến lược và tương lai xung đột, cải thiện an ninh hàng hải, quá trình phát triển tiềm lực quân sự trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tham gia sự kiện và có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis. Hai Bộ trưởng cho rằng kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới, nhất trí ưu tiên khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì các cơ chế đối thoại và trao đổi đoàn cấp cao.