Tại Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức ngày 19-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài còn diễn biến phức tạp. Chính phủ tổ chức hội nghị, triệu tập lãnh đạo 27 địa phương để cùng tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý vấn đề.
95% khiếu kiện về đất đai
Thủ tướng yêu cầu phải tìm nguyên nhân chủ quan từ phía chính quyền là chính, kế đến là những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Vấn đề quan trọng các đại biểu tập trung thảo luận là giải quyết sinh kế cho người dân.
"Người dân sống bằng cái gì khi chúng ta giải phóng mặt bằng?" - Thủ tướng đặt vấn đề. Dẫn số liệu trong số 100 vụ khiếu kiện thì có tới 95 vụ về đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta nói phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ tới quyền lợi tương xứng của người dân. Không giải quyết thỏa đáng, đúng mức vấn đề này thì khó phát triển bền vững".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo vào ngày 19-5 |
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu dân địa phương nào đi khiếu kiện (vượt cấp) thì chủ tịch, bí thư địa phương đó phải chịu trách nhiệm đưa dân về và đối thoại với họ. "Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng. Vì vậy, đừng có chủ quan" - Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng nhấn mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội thì cần hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không vì bên này mà bỏ qua lợi ích chính đáng của bên kia. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nếu cán bộ không làm sai mà làm việc công tâm, khách quan, lắng nghe ý kiến của người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân thì chắc chắn ít xảy ra hoặc không xảy ra khiếu kiện phức tạp" - Thủ tướng quả quyết.
Còn nặng tư tưởng "đối đầu"
Đi vào tình hình cụ thể, Thủ tướng nhìn nhận tình hình khiếu kiện, tố cáo - nhất là khiếu kiện, tố cáo đông người - còn diễn biến phức tạp. Nhận thức của một số cán bộ còn mang nặng tư tưởng "đối đầu" với người dân mà chưa thấy trách nhiệm của mình. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, sơ hở, yếu kém, nhất là công tác quản lý sử dụng đất đai. Một số quy định của pháp luật còn bất cập, không phù hợp với thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Thủ tướng đề nghị các ngành liên quan như Thanh tra Chính phủ, Tài nguyên và Môi trường, Công an…, đặc biệt là các địa phương, cần vào cuộc để có thể thay đổi căn bản tình hình, không để vấn đề khiếu nại, tố cáo gây mất ổn định tình hình đất nước. Việc đúng thì kiên trì thuyết phục, vận động người dân. Việc không đúng thì phải nghiêm túc sửa sai, khắc phục, không ngoan cố.
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ và đặc biệt các địa phương phải lập kế hoạch cụ thể về giải quyết các vụ khiếu kiện, tố cáo đông người phức tạp. Thanh tra Chính phủ rà soát, lập danh sách tất cả các vụ việc phức tạp kéo dài tại 27 địa phương. Các tỉnh, thành phố phải cung cấp đầy đủ danh sách các vụ việc cho Thanh tra Chính phủ; cùng Thanh tra Chính phủ lập kế hoạch, có định hướng tiến độ cụ thể để giải quyết từng vụ việc, công khai trên mạng.
Địa phương cần phân công rõ cơ quan chủ trì giải quyết từng vụ việc, phân công mỗi thành viên trong thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy chịu trách nhiệm theo dõi đôn đốc, giải quyết. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu kiện trên địa bàn.
Thủ tướng đối thoại với 800 công nhân Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2018, sáng nay, 20-5, tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ hơn 800 công nhân lao động các KCN vùng đồng bằng sông Hồng. Chủ đề của cuộc gặp gỡ năm nay là "Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn". Trước đó, vào chiều 19-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát, kiểm tra việc triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Thủ tướng khẳng định Đảng, nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm tới đời sống, việc làm của công nhân, người lao động. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của công nhân, người lao động, hạn chế được tình trạng nhảy việc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. V.DUẨN |