Thủ tướng: Việt Nam đóng góp tích cực trên cả 3 trụ cột của Liên Hợp Quốc

Admin
“Nhìn lại 40 năm qua, Việt Nam luôn tự hào là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc. Dù nguồn lực còn hạn chế nhưng Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp tích cực trên cả 3 trụ cột là hòa bình, an ninh phát triển và quyền con người” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (LHQ) sáng nay (17/10), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong chặng đường 40 năm của Việt Nam tại tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh.

Từ khi ra đời năm 1945, LHQ luôn đi đầu trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác phát triển, bảo vệ quyền con người. Các chương trình hành động lớn của LHQ đã và đang tạo thành khuôn khổ và định hướng chủ yếu cho hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn thế giới.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, sáng 17/10, tại Hà Nội

Theo Thủ tướng, ngay sau khi thành lập nhà nước Việt Nam tháng 9/1945, ngày đầu năm 1946, Chủ tịch hồ Chí Minh đã gửi thư đề nghị kết nạp cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia thành viên.

“Hơn 30 năm, cả dân tộc Việt Nam đã đứng lên, kiên cường đấu tranh vì chân lý, không có gì quý hơn độc lập tự do. Chúng tôi đã luôn nhận được sự chia sẻ, ủng hộ quý báu của cộng đồng quốc tế” - Thủ tướng cho biết.

Ngày 24/9/1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 149. Đây là thời khắc thiêng liêng khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên ở New York, đánh dấu sự công nhận đối với nhà nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, tiếng bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

“Nhìn lại 40 năm qua, Việt Nam luôn tự hào là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc. Dù nguồn lực còn hạn chế nhưng Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp tích cực trên cả 3 trụ cột là hòa bình, an ninh phát triển và quyền con người. Việt Nam đã được tín nhiệm vào nhiều cơ quan, tổ chức của Liên Hợp Quốc.

Khuôn khổ hợp tác phát triển của Việt Nam - LHQ được coi là một hình mẫu thành công. Các tổ chức LHQ là những người bạn thân thiết luôn đồng hành cùng Việt Nam từ những năm 70-80 đầy gian khó. Nhiều người dân của chúng tôi vẫn luôn nhớ những cái tên gần gũi, đã được Việt hóa như Pao… ” - Thủ tướng khẳng định.

 Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc ngày 24/9/1977, là thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc

Theo Thủ tướng, những năm sau này, các tổ chức của Liên Hợp Quốc, nguồn lực quý báu đó đã góp phần giúp Việt Nam hoàn thành nhiều mục tiêu thiên niên kỷ.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ sự tri ân những người bạn, chuyên gia quốc tế hết lòng giúp tận tụy giúp Việt Nam, hợp tác trên các lĩnhh vực, cương vị khác nhau nỗ lực vì quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và LHQ.

Trong thế giới đầy biến động ngày nay, chúng ta nhìn về Liên Hợp Quốc như nguồn sáng hi vọng, nơi tập hợp sự đoàn kết, mọi nỗ lực, sức sáng tạo của các quốc gia để chung tay vượt qua các thách thức, phát triển bền vững, mang sự thịnh vượng, hạnh phúc đến mọi người.

Tuy nhiên, chúng ta không thể thực hiện thành công các mục tiêu cao cả về hợp tác nếu không có hòa bình, ổn định. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Châu Á – Thái Bình Dương, nơi đang có những điểm nóng đe dọa hòa bình ổn định khu vực và cộng đồng. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc “Năm 2017 là năm hòa bình”.

Thủ tướng mong muốn LHQ phát huy hơn nữa vai trò duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa và thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

 Thủ tướng và các vị khách quốc tế tại Lễ kỷ niệm

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, trong đối ngoại đa phương, tăng cường hợp tác hiệu quả với LHQ luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

“Chúng tôi cam kết đảm nhiệm tốt trách nhiệm là thành viên các cơ quan của LHQ, mở rộng hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO), nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững, Thỏa thuận COP21 về ứng phó với biến đổi khí hậu và mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021” - Thủ tướng cho hay.