Thuộc cấp "bất đắc dĩ" tham gia xử lý kỷ luật trưởng phòng giáo dục

Admin
Một chuyên viên của phòng giáo dục ở Kiên Giang \"bất đắc dĩ\" làm đại diện trong tổ tư vấn để xét kỷ luật trưởng phòng do cả ban lãnh đạo đều “dính” kỷ luật.

Ngày 4-12, nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết hiện cơ quan chức năng ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang vẫn đang hoàn chỉnh quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện này, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Kiên Giang do có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, thu chi ngân sách, bổ nhiệm và đánh giá cán bộ cũng như kê khai tài sản thiếu trung thực.

 Nơi ông Tâm có thời gian khá dài giữ chức vụ trưởng phòng 

Cũng theo nguồn tin, sở dĩ ông Tâm chưa bị xem xét kỷ luật về mặt chính quyền trong thời gian khá dài là vì toàn bộ ban lãnh đạo của đơn vị này đều "dính" kỷ luật hoặc bị kiểm điểm rút kinh nghiệm do có nhiều sai phạm trong công tác quản lý. Cụ thể như ông Nguyễn Đông Thành, với vai trò Phó Bí thư Chi bộ và Phó Phòng GD-ĐT huyện nhưng thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng Đảng ở chi bộ dẫn đến có nhiều hạn chế, khuyết điểm, thực hiện không đúng quy chế làm việc và chế độ báo cáo; thực hiện công tác tổ chức, cán bộ; quản lý tài chính để xảy ra nhiều sai phạm. Do đó, vị phó phòng này đã nhận mức kỷ luật bằng hình thức khiển trách về mặt Đảng và chính quyền.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh với vai trò là Phó trưởng Phòng GD-ĐT nhưng thiếu quan tâm, tham mưu thực hiện công tác cán bộ và quản lý tài chính để xảy ra nhiều sai sót; bản thân bà Hạnh đã thanh toán sai niên độ ngân sách và sai quy chế cơ quan hơn 96 triệu đồng... Từ những sai phạm đó, bà Hạnh đã bị Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Thuận cho tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Đáng nói hơn, trong danh sách tổ tư vấn xử lý kỷ luật ông Tâm lại có tên ông Trần Thanh Tùng là chuyên viên phụ trách công tác tổ chức của Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận. Bởi theo nguồn tin của phóng viên, ông Tùng có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu cho ông Tâm để ông này chỉ đạo đánh giá, phân loại không đúng thẩm quyền đối với 63 lượt hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong năm 2016 và 2017 nên phát sinh khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, do ông Tùng chưa bị kỷ luật và cả ban lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận không còn ai đủ tư cách tham gia tổ tư vấn nên ông này trở thành thuộc cấp "bất đắc dĩ" được chỉ định làm thành viên tổ xem xét xử lý kỷ luật lãnh đạo của mình.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ xử lý kỷ luật ông Tâm là do vướng về văn bản, thủ tục và phải làm đi làm lại nhiều lần cho phù hợp. Dự kiến trong tuần này hoặc đầu tuần tới thì cơ quan tham mưu mới có thể hoàn chỉnh về mặt thủ tục để đưa ra xem xét và sẽ có hình thức kỷ luật đối với ông Tâm.

Như đã thông tin, vào ngày 12-10, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Thuận đã ban hành quyết định kỷ luật ông Tâm bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang.

Theo đó, trong 3 năm (từ 2016 đến 2018), với vai trò là Bí thư Chi bộ Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận nhưng ông Tâm không có nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, đoàn thể cơ quan; không đưa nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị vào sinh hoạt định kỳ, thường xuyên; không xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề. Trong lãnh đạo và chỉ đạo, có dấu hiệu lạm quyền trong việc thực hiện công tác bổ nhiệm và đánh giá cán bộ. Ngay cả trong công tác quản lý tài chính thì vị lãnh đạo ngành giáo dục ở địa phương này cũng để xảy ra sai phạm nên phát sinh tình trạng một số cán bộ quản lý tại các đơn vị trường học trên địa bàn bất bình rồi gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Hạn chế của ông Tâm còn được thể hiện trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, chưa phân biệt được quy trình giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên; các cuộc kiểm tra, giám sát chưa bảo đảm quy trình, quy định nên chất lượng hiệu quả không cao; thực hiện không đúng quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy khóa XI, quy chế làm việc của chi bộ. Đặc biệt, qua kiểm tra, ngành chức năng còn phát hiện ông Tâm thiếu gương mẫu trong việc kê khai tài sản đối với phần đất mua lại của người dân tại địa phương...

Cũng theo kết luận của UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang, ông Tâm còn để xảy ra rất nhiều sai phạm về công tác quản lý tài chính, tài sản và mua sắm tài sản chưa chặt chẽ, nhiều nội dung chi không đúng quy định; nguồn kinh phí sự nghiệp không phân bổ hết cho các trường tự chi không có ý kiến phê duyệt của UBND huyện với tổng số tiền đã chi sai lên đến gần 1,5 tỉ đồng và tạo cơ chế "xin cho" không minh bạch. Chỉ riêng về đầu tư xây dựng cơ bản thì từ năm 2016 đến quý II năm 2018, có 12 dự án Phòng GD-ĐT làm chủ đầu tư nhưng chưa thực hiện đầy đủ các chế độ báo cáo, giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.

Từ đó, UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng những vi phạm, khuyết điểm của ông Tâm là nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân, tổ chức Đảng và cơ quan đến mức phải tổ chức kiểm điểm theo quy trình và có hình thức kỷ luật phù hợp.