Thương hiệu lớn đầu tiên xóa tài khoản Twitter

Admin
Một tháng sau khi chấm dứt hợp đồng với Kanye West, Balenciaga - hãng thời trang xa xỉ tiếp tục tạm biệt thêm một cái tên là Elon Musk.

 Balenciaga chính thức xóa tài khoản Twitter. Ảnh: Firstclasse.

Balenciaga - thương hiệu có trụ sở tại Paris, thuộc sở hữu của tập đoàn thời trang Kering, đã chính thức xóa tài khoản khỏi Twitter, và trở thành thương hiệu lớn đầu tiên rời khỏi nền tảng này.

Nguyên nhân đến từ việc Elon Musk mua lại Twitter, làm dấy lên lo ngại về hướng đi mới của mạng xã hội này.

Theo Fortune, Balenciaga không đưa ra lời giải thích cho hành động này, nhưng động thái diễn ra khi Twitter thay đổi chính sách, dẫn đến sự gia tăng các tài khoản mạo danh. Điều này có thể gây nguy hiểm cho danh tiếng của các công ty lớn và những người có sức ảnh hưởng.

Elon Musk đã thay đổi vài chính sách của Twitter, giờ đây bất kỳ ai trên nền tảng này đều có thể mua tick xanh “Twitter Blue” với giá 8 USD/tháng. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng của các tài khoản giả mạo là người nổi tiếng, chính trị gia và cả các công ty.

Một nạn nhân mới đây là công ty dược phẩm Eli Lilly. Một người dùng Twitter đã tạo một tài khoản mới, giả vờ là gã khổng lồ dược phẩm và viết một dòng tweet: “Chúng tôi rất vui mừng thông báo rằng insulin hiện đã miễn phí”.

Dòng tweet đã khiến giá cổ phiếu của Eli Lilly lao dốc mạnh. Nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin cũng gặp tình trạng tương tự khi một tài khoản có tick xanh, giả danh công ty, đã tweet rằng Lockheed sẽ ngừng bán vũ khí ở một số quốc gia.

 Musk càng cố gắng đa dạng hóa nguồn doanh thu, nội dung trên Twitter càng trở nên hỗn loạn. Ảnh: Reuters.

Trong khi Balenciaga xóa hoàn toàn tài khoản của mình, nhiều công ty khác cũng tạm dừng quảng cáo trên Twitter. Họ muốn chờ xem liệu những nội dung giả mạo có xuất hiện tràn lan khi Twitter nằm dưới quyền sở hữu của Musk hay không.

Trước đó, General Motors là thương hiệu đầu tiên thông báo tạm dừng quảng cáo trên Twitter. Theo sau là United Airlines và Pfizer cũng lặng lẽ tạm dừng quảng cáo của họ.

Vài ngày sau, tập đoàn quảng cáo khổng lồ Interpublic Group đã khuyến nghị khách hàng của mình tạm dừng chi tiêu cho quảng cáo trên Twitter.

Tiếp đến là IPG, một trong 4 công ty agency lớn nhất, cùng với WPP, Publicis và Omnicom, đồng thời quản lý khâu quan hệ công chúng của Coca-Cola, American Express, Johnson & Johnson, Nintendo và những công ty khác lần lượt theo chân GM.

Quảng cáo từng chiếm 90% doanh thu của Twitter. Để đa dạng hóa nguồn doanh thu của Twitter, Musk đã đề xuất tính năng mua bán tick xanh này.

Tuy nhiên, một rủi ro lớn đối với gói xác minh này chính là nó đã làm mất đi giá trị của các tài khoản có sức gây ảnh hưởng, như doanh nghiệp hay người nổi tiếng.

Musk càng cố gắng đa dạng hóa nguồn doanh thu, nội dung trên Twitter càng trở nên hỗn loạn, điều này dẫn đến việc nhiều nhà quảng cáo bỏ chạy.

Tác giả: Bảo Trung

Nguồn tin: zingnews.vn