Thương mại toàn cầu ám ảnh hội nghị G20

Lợi Trần
Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nhóm họp tại Hàng Châu (Trung Quốc) trong hôm nay, và thương mại là thách thức thực sự với các nước trong sự kiện lần này.

Bắc Kinh đang lâm vào thế khó, khi vừa là chủ nhà G20, lại là mục tiêu chỉ trích của cả thế giới về ảnh hưởng của thương mại tự do. "Khó mà tìm được quốc gia nào hưởng lợi nhiều từ thương mại hơn Trung Quốc. Bảo hộ có lẽ là một trong những rủi ro lớn nhất của nước này trong việc chuyển dịch kinh tế", Alicia Garcia-Herrero – nhà kinh tế học tại Natixis cho biết.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa - Donald Trump đặc biệt ác cảm với thương mại tự do và Trung Quốc. Mỹ và châu Âu cũng đang chỉ trích nền kinh tế lớn nhì thế giới vì số thép và nhiều nguyên liệu thô giá rẻ mà họ đang đổ ra thị trường.

Nỗi ám ảnh này đã khiến hai hiệp định thương mại lớn gặp nguy hiểm - TPP và TTIP. Trung Quốc không tham gia hai hiệp định này, nhưng cũng đã ký rất nhiều thỏa thuận thương mại với các nước khác những năm gần đây và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

Theo CNN, dưới đây là những khó khăn với TPP và TTIP mà các lãnh đạo G20 cần giải quyết.

1. Hiệp định Đầu tư và Thương mại Xuyên Đại Tây Dương (TTIP)

 


Các nước tham gia: Mỹ và 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU)

Tổng GDP: 34.200 tỷ USD (47% GDP thế giới)

Quan điểm ủng hộ: Mỹ cho biết hiệp định này sẽ tạo ra cơ hội cho các gia đình, công nhân, doanh nghiệp, nông dân Mỹ thông qua việc tiếp cận thị trường châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) thì cho rằng nó sẽ giúp các công dân châu Âu có thêm 545 euro (620 USD) mỗi năm.

Quan điểm phản đối: Các công đoàn và nhóm hoạt động tại châu Âu cho rằng thỏa thuận này trao quá nhiều quyền lực cho các công ty Mỹ. TTIP sẽ giúp các doanh nghiệp này dễ dàng kiện chính phủ với bất kỳ luật nào họ cho là có hại đến việc kinh doanh của mình. Người ta còn lo ngại các ảnh hưởng tiềm tàng lên dịch vụ công, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Họ giận dữ vì các cuộc đàm phán đều diễn ra bí mật.

Hiện trạng: Một quan chức hàng đầu của Đức tuần này cho biết các cuộc đàm phán TTIP "trên thực tế đã chết". Pháp đang kêu gọi ngừng lại. EC thì khẳng định vẫn có tiến triển. Nhưng việc người Anh bỏ phiếu rời EU đang khiến tình hình càng phức tạp.

Việc đàm phán TTIP bắt đầu tháng 6/2013. Các nước kỳ vọng sẽ hoàn tất trước khi Tổng thống Mỹ - Barrack Obama rời nhiệm sở tháng 1/2017. Tuy nhiên, đây có vẻ là nhiệm vụ bất khả thi.

2. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)

 


Các nước tham gia: Mỹ và 11 nước quanh vành đai Thái Bình Dương: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Tổng GDP: 27.400 tỷ USD (37% GDP)

Quan điểm ủng hộ: Một số nhà kinh tế cho biết TPP sẽ giúp tăng GDP cho các nước thành viên. Những người ủng hộ tại Mỹ thì khẳng định nó có thể làm tăng xuất khẩu và hỗ trợ các việc làm lương cao. Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew tuần này cho biết nó "thiết lập chuẩn mực lịch sử về môi trường và lao động, đảm bảo các đối tác chơi theo đúng luật và tiêu chuẩn của chúng ta".

Quan điểm phản đối: Nhiều chuyên gia cho rằng TPP sẽ giết chết việc làm tại Mỹ và làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng thu nhập tại 12 quốc gia, đặc biệt là Mỹ. Họ cho rằng chỉ các công ty lớn mới được hưởng lợi, chứ không phải người bình thường. Joseph Stiglitz – nhà kinh tế học đạt giải Nobel cũng cho biết: "Những người ủng hộ thì cho rằng nó sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Nhưng sự thực là nó chỉ có lợi với vài người thôi, còn rất nhiều sẽ bị bỏ lại phía sau".

Hiện trạng: TPP đã được ký vào tháng 2. Tuy nhiên, nó cần được quốc hội 12 nước thành viên phê chuẩn. Ông Obama kỳ vọng việc này sẽ diễn ra trước khi rời nhiệm sở. Tuy nhiên, việc này có vẻ khó hoàn thành. Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ hiện tại - ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều đã lên tiếng phản đối TPP.

Tác giả bài viết: Hà Thu