Thủy điện xả lũ kỷ lục, nhiều nhà dân bị cuốn trôi

Admin
Chủ tịch huyện Tương Dương (Nghệ An), cho biết thông tin đập thủy điện Bản Vẽ vỡ là thất thiệt. Trên thực tế, do thủy điện Bản Vẽ xả lũ nên nhiều nhà dân ở trên địa bàn huyện bị cuốn trôi, ngập sâu.

 Thủy điện Bản Vẽ xả lũ mức kỷ lục 4.260 m3/s.

Trưa ngày 31-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, cho biết thông tin đập thủy điện Bản Vẽ (320 MW) vỡ mà trên mạng xã hội thông tin là thất thiệt, không chính xác.

Theo ông Hải, do thủy điện Bản Vẽ xả lũ nên hiện tại nhiều nhà dân ở trên địa bàn huyện bị cuốn trôi, ngập sâu. Tuyến đường QL7, và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn bị ngập sâu, chia cắt. Hiện, huyện Tương Dương đang huy động toàn bộ lực lượng di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 Nước lũ trên các sông ở Nghệ An liên tục dâng cao

Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, do nước lũ từ Lào đổ về, nhiều nhà dân, bản làng bị nước lũ cô lập. Mưa lũ gây sạt lở các tuyến đường khiến giao thông bị ùn tắc, đình trệ, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

 Nhà dân ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương ngập chìm trong biển nước

Trưa cùng ngày 31-8, trao đổi với phóng viên, ông Tạ Hữu Hùng, Phó Giám đốc Thủy điện Bản Vẽ, cho biết sáng ngày 31-8, thủy điện Bản Vẽ xả lũ ở mức 3.260 m3/s. Đây là mức xả kỷ lục, cao nhất trong vòng nhiều năm qua.

Hiện, nhà máy vẫn đang tiếp tục theo dõi mực nước đổ về hồ để có điều chỉnh mức xả lũ. Nguyên nhân của việc thủy điện Bản Vẽ buộc phải xả lũ lớn kỷ lục theo ông Hùng là do nước lũ từ Lào đổ về quá lớn.

 Nhà dân bị ngập sâu

Ngoài thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) cũng đã tăng lưu lượng xả lũ lên 4.500 m3/s, theo thông tin từ ông Đỗ Văn Mạnh, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Khe Bố.

 Một trường học bị cô lập hoàn toàn

Do nước lũ đổ về, các thủy điện đồng loạt xả lũ, dự kiến trong ngày 31-8, nước lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục dâng cao, nhiều địa phương sẽ bị nước lũ cô lập, chia cắt.

 Nước ngập nhà dân từ 1-2 m

 Các tuyến đường ở miền Tây Nghệ An bị cô lập, chia cắt