Nguồn khoáng sản phi kim loại chủ yếu là đá vôi, trữ lượng khoảng 380 triệu m3; silic hoạt tính chủ yếu tại 5 điểm đồi tại xã Lại Xuân và Liên Khê, trữ lượng khoảng 17,2 triệu m3; sét xi măng gồm 3 khu vực, trữ lượng khoảng 146,5 triệu tấn; sét nằm rải rác tại các xã phía Bắc huyện, trữ lượng hơn 194 triệu tấn. Các loại khoáng sản khác: sitđen khoảng 0,5 triệu m3; đá cát kết khoảng 135,7 triệu m3; dolomit khoảng 9 triệu m3. Các loại khoáng sản phần lớn nằm trong vùng cấm khai thác.
Khai thác khoáng sản tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. |
Phòng TNMT huyện Thủy Nguyên tham mưu UBND huyện Thủy Nguyên phối hợp với các Sở: TN&MT, Công thương, Xây dựng, KH&CN, VH-TT&DL, GTVT, Công an TP và UBND các xã, thị trấn có khoáng sản kiểm tra, thẩm định, đề xuất Bộ TN&MT, UBND TP cấp phép hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền và quản lý hoạt động khai thác. Đồng thời, kiểm tra chấn chỉnh những tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật; giải quyết kiến nghị, khiếu nại của nhân dân trong hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, tham mưu UBND huyện Thủy Nguyên ban hành 5 quyết định thành lập các đoàn kiểm tra; thông báo; báo cáo; phương án; công văn về công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, đơn vị. Năm 2018, Phòng TN&MT ban hành phương án về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; báo cáo công tác quản lý hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; Công văn về tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, đổi mới công nghệ ngành khai thác khoáng sản. Kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép, yêu cầu 11 đơn vị khai thác khoáng sản nộp các loại thuế, phí.
Phòng TN&MT phối hợp và tham mưu UBND huyện Thủy Nguyên xử lý vi phạm hành chính về khai thác khoáng sản. Trong đó, có 213 vụ vi phạm, xử lý 255 trường hợp, tạm giữ 99 máy xúc, 5 tàu chở cát, 142 xe ô tô, tịch thu 43 máy nén hơi, 24 búa khoan, 7 xe công nông, 1 búa tạ, xử phạt vi phạm hành chính 4.048,54 triệu đồng (2 vụ khai thác cát trái phép đề xuất UBND TP Hải Phòng xử phạt 250 triệu đồng). Trong năm 2018, xử phạt vi phạm theo thẩm quyền 6 vụ vi phạm, xử phạt 96,5 triệu đồng; thu giữ 3 tàu hút cát bằng xi măng, chở đất; 2 máy xúc, 1 ô tô vận tải, máy tời, 2 máy bơm, 2 vòi hút cát, báo cáo UBND huyện đề xuất UBND thành phố xử phạt 1 vụ với số tiền 150 triệu đồng, tịch thu máy hút cát, ống hút, đầu máy nổ, tang vật vi phạm (342,7 m3 cát đen). Đơn vị lập biên bản đình chỉ hoạt động khai thác một số xã, thị trấn tự ý mở đường qua núi, san gạt mặt bằng để xây dựng các công trình công cộng khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đồng thời, tham mưu UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn có hoạt động khoáng sản thực hiện Luật Khoáng sản và kiểm tra khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đơn vị, đề xuất UBND huyện giải quyết, yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản lắp trạm cân, camera giám sát quản lý khối lượng khoáng sản đã khai thác.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thủy Nguyên vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Việc kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa thường xuyên. Một số địa phương, đơn vị tùy tiện cho khai thác khoáng sản không được cấp phép phục vụ nhu cầu của địa phương. Việc xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Khoáng sản chưa kiên quyết và chưa đạt hiệu quả cao. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế, phí trong hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp được cấp phép chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc, nợ đọng thuế và nghĩa vụ tài chính. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ dẫn đến tai nạn lao động nghiêm trọng năm 2012 và 2014 tại khu A,B,C,D mỏ Trại Sơn, tình trạng đơn thư khiếu kiện, kiến nghị kéo dài gây mất ổn định tình hình an ninh.
Để khắc phục những tồn tại trên, tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, Phòng TN&MT huyện Thủy Nguyên có một số kiến nghị. Tuyên truyền tới chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, cơ quan và nhân dân các xã, thị trấn có tài nguyên khoáng sản. Nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản, hoạt động khai thác sử dụng khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý, khai thác khoáng sản. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương về quản lý khoáng sản, kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép, ngăn chặn khai thác không phép. Các tổ chức, được cấp phép khai thác phải hoàn thiện các hồ sơ phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản, khai thác đúng chỉ giới, mốc giới được giao, khai thác theo thiết kế được phê duyệt và các quy định liên quan. Cấp phép khai thác, làm hồ sơ cho thuê đất.
Các đơn vị khai thác khoáng sản khẩn trương tiến hành lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác. Lắp đặt camera giám sát tại khu vực kho chứa để lưu giữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định tại Điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT. Các cơ quan chức năng phối hợp với huyện Thủy Nguyên trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, đôn đốc đơn vị hết phép khai thác khoáng sản đóng mỏ, bàn giao mặt bằng cho địa phương. Sở TN&MT TP Hải Phòng phối hợp với huyện Thủy Nguyên quản lý, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục khai thác mỏ và đình chỉ hoạt động khai thác theo quy định của pháp luật...