Tiền gửi ‘bốc hơi’: ‘70% là trách nhiệm của khách hàng, 30% là của ngân hàng’

Admin
“Chúng ta thường nói phải có 2 người mới nhảy được điệu tango, những sai phạm như thế phải có sự cộng hưởng giữa ngân hàng và khách hàng. Tôi nghĩ là trách nhiệm chính là trách nhiệm của khách hàng, có lẽ 70%, còn lại 30% của ngân hàng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm về hiện tượng tiền gửi ngân hàng liên tục “bốc hơi”.

 

TS Nguyễn Trí Hiếu 

Trao đổi với báo giới về hiện tượng tiền gửi ngân hàng liên tục “bốc hơi”, TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ rất ngạc nhiên vì trước đây, ông làm việc ở ngân hàng Mỹ 30 năm, chưa bao giờ gặp trường hợp tiền gửi khách hàng bị “bốc hơi”.

“Tôi thấy hình như có một lỗ hổng về quản lý, 3 đối tượng trong quản lý đó là cơ quan quản lý, ngân hàng, khách hàng. Cả 3 đối tượng đó đều có sơ hở”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.

Thứ nhất, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, sơ hở của khách hàng là không kiểm tra thường xuyên và có những động thái để bảo vệ tài sản của mình. Thứ hai là sơ hở của ngân hàng khi có chế độ chăm sóc khách hàng, gửi cán bộ đến giao dịch tiền gửi tại tư gia của khách hàng. Thứ ba, nhiều quy định của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi ngân hàng chưa chặt chẽ.

“Chúng ta thường nói phải có 2 người mới nhảy được điệu tango, những sai phạm như thế phải có sự cộng hưởng giữa ngân hàng và khách hàng. Tôi nghĩ là trách nhiệm chính là trách nhiệm của khách hàng, có lẽ 70%, còn lại 30% của ngân hàng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Chia sẻ thêm về việc ngân hàng để cho cán bộ đến phục vụ tại tư gia, ông Hiếu nói thông lệ là khách hàng đến ngân hàng vào giờ làm việc, trao tiền hoặc rút tiền có sự hợp tác của giao dịch viên, có chứng giám của trưởng đơn vị, có kiểm soát viên để kiểm soát giao dịch thì tiền vào kho quỹ, tiền xuất kho quỹ được hạch toán tức thì. Nếu đảm bảo được như vậy thì theo ông sẽ không có chuyện gì xảy ra.

“Nhưng mà có lẽ 50/50 thì đúng hơn”, ông Hiếu đánh giá về trách nhiệm giữa khách hàng và ngân hàng trong các vụ tiền gửi “bốc hơi”.

Khá trái ngược với quan điểm của TS Nguyễn Trí Hiếu, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay ông đã đọc rất kỹ quy chế 1160 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có nói rằng ngân hàng có quyền ban hành các thủ tục, quy trình đảm bảo tiền gửi cho khách hàng tiện lợi, nhưng phải đảm bảo sự chính xác và an toàn.

“Tôi luôn luôn khẳng định rằng ngân hàng có thể lỗ cũng được, phá sản cũng được nhưng an toàn là hàng đầu, bởi nó ảnh hưởng đến an ninh hệ thống tiền tệ, tâm lý xã hội…”, ông Đức nói.

Luật sư khẳng định, nếu như ngân hàng làm đúng thì không bao giờ đối tượng phạm tội lấy được tiền từ ngân hàng dù khách hàng có mất sổ tiết kiệm, dù khách hàng có đưa chứng minh nhân dân cho người gian lận.

“Khách hàng có lỗi 1 thì ngân hàng có lỗi 10”, Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá.

Theo ông Đức, ngân hàng phải chịu trách nhiệm vì tất cả đều là cán bộ của ngân hàng, là người của pháp nhân, khách hàng giao dịch chỉ biết tin vào cán bộ ngân hàng với quy trình, với uy tín ngân hàng thì “bảo gì người ta làm thế”. Tất cả luật chơi do ngân hàng áp đặt, chứ không khách hàng nào mà ép được ngân hàng.

“Một nguyên nhân căn bản nhất là hiểu sai rất trầm trọng Bộ Luật Dân sự. Từ những vụ án như Huyền Như, ngân hàng không phải chịu trách nhiệm gì đến những vụ án nhỏ hơn. Các cơ quan pháp luật đều có thiên hướng, cứ vụ nào có yếu tố hình sự thì cá nhân đấy, tội phạm đấy phải đền. Còn tất cả các vụ dân sự, tôi khẳng định ngân hàng phải đền”, ông Đức nêu quan điểm.

Theo luật sư, điều này dẫn đến hậu quả, ngân hàng không mất tiền, “của không đau, con không xót”, không nâng cao trách nhiệm, không hoàn thiện các giải pháp. Ông Đức khẳng định nếu nguy cơ không phải của người khác mà của ngân hàng thì lập tức sẽ có đủ giải pháp, an toàn tối đa chứ không xảy ra một cách tràn lan như vừa qua.