Tiền thuế bảo vệ môi trường, dùng việc gì?

Admin
Bất chấp sự phản ứng dữ dội của dư luận, Bộ Tài chính vẫn quyết đệ trình UBTV Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó thuế với xăng sẽ tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít, với dầu là 2.000 đồng/lít.

Như vậy, nếu Quốc hội đồng ý, giá xăng dầu sẽ tăng thêm ít nhất 1.000 đồng mỗi lít. Tính từ 2015 tới nay, Bộ Tài chính đã tăng rất mạnh loại thuế bảo vệ môi trường với xăng, gấp 4 lần, từ 1.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít.

Điều đáng buồn là, dường như mức độ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, lại không hề giảm tương xứng với mức tăng mạnh của loại thuế bảo vệ môi trường đánh vào mọi người dân, bất kể giàu nghèo này.

Trùng đúng thời điểm Bộ Tài chính quyết tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, đầu tuần các báo cũng đồng loạt đưa tin về ô nhiễm không khí rất đáng lo ngại : Theo Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID), người dân Hà Nội đang phải hít thở không khí có mức độ ô nhiễm cao thứ 2 trong tổng số 23 thành phố Đông Nam Á. Ba tháng đầu năm có 90 ngày thì có tới 82 ngày ô nhiễm không khí tại Hà Nội vượt ngưỡng cho phép của WHO (chiếm 91%), với nồng độ bụi siêu nhỏ PM2.5 trung bình là 63,2 µg/m3.Tình hình ô nhiễm không khí các năm trước cũng tương tự và dường như ngày càng theo chiều hướng xấu đi. Đáng chú ý, hoạt động giao thông vận tải chính là một trong ba nguồn ô nhiễm không khí hàng đầu tại các đô thị Việt Nam.

Về lý thuyết, việc tăng mạnh thuế BVMT vào các nhiên liệu, vật liệu gây hại môi trường như xăng dầu, than đá, túi ni lông là phù hợp với xu thế của thế giới văn minh, nhằm hạn chế sử dụng và tạo ngân sách cho các hoạt động BVMT. Tuy nhiên, tiền thu từ sắc thuế này của người dân cần phải được chi tiêu đúng mục đích BVMT, có kế hoạch cụ thể, công khai và minh bạch.

Nếu trước khi đề xuất tăng kịch khung sắc thuế này, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan công bố được toàn bộ các dự án BVMT dùng ngân sách nhà nước trong thời gian tới, ví như sẽ đầu tư lắp đặt thêm bao nhiêu trạm quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội và TPHCM, hẳn người dân sẽ thấy rõ lợi ích và ý nghĩa của việc họ phải trả thêm 1.000 đồng cho mỗi lít xăng.

Sự đồng thuận xã hội chỉ xuất hiện khi có sự công khai minh bạch, khi mọi người dân hiểu và đồng cảm với những quyết định của cơ quan quản lý nhà nước. Chừng nào Bộ Tài chính chưa trả lời tường minh được câu hỏi - Vì sao tăng, tăng để dùng vào những việc gì, có phải tăng để bù đắp cho sự thiếu hụt phát sinh từ các nguồn thu khác? - chừng đó người dân và dư luận xã hội sẽ khó mà đồng thuận với đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT với xăng dầu của Bộ này.