Tại phiên chất vấn trước QH sáng nay, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng đề nghị Chánh án TAND Tối cao làm rõ đến nay đã phát hiện bao nhiêu vụ án có dấu hiệu bỏ lọt mà HĐXX các cấp khởi tố tại toà để chống bỏ lọt tội phạm?
“Sau khởi tố, ngành toà án có theo dõi được các cơ quan chức năng thực hiện được tiếp hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo không? Đến nay các vụ án do toà án khởi tố đạt kết quả thế nào?”, ĐB hỏi.
Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, về mặt chức năng nhiệm vụ, ngoài tuyên án, toà có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại toà và kiến nghị khởi tố.
Chánh ánh TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: Minh Đạt |
Dù luật cho phép nhưng yêu cầu phải đủ điều kiện mới khởi tố. Trong sự cân nhắc như vậy, hội đồng thẩm phán thông thường lựa chọn giải pháp kiến nghị VKS và cơ quan điều tra khởi tố điều tra hơn là khởi tố tại toà, trừ các vụ có dấu hiệu rất rõ.
Riêng khởi tố tại toà, Chánh án cho biết mới chỉ có 12 vụ, số lượng còn đang khiêm tốn. Quá trình khởi tố tại toà, trách nhiệm cấp xét xử là phải theo dõi quyết định khởi tố. Cơ quan điều tra, VKS trong quá trình điều tra, truy tố cũng hợp tác, mời toà tham dự trong các vụ này.
Ví dụ cụ thể, toà đã kiến nghị khởi tố vụ Ocean bank về khoản thất thoát của tập đoàn dầu khí, cơ quan điều tra sau đó cũng đã khởi tố vụ án này.
“Vụ Trịnh Xuân Thanh, đầu năm nay toà đã khởi tố bổ sung Trịnh Xuân Thanh trong phiên toà xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô mười mấy tỷ. Cách đây 2 ngày cơ quan điều tra đã họp với chúng tôi, đang điều tra theo hướng đó, có nhiều tài liệu bổ sung nên ngoài Trịnh Xuân Thanh, đã khởi tố bổ sung thêm 3 bị can khác”, Chánh án thông tin.
Theo ông Bình, sở dĩ số lượng khởi tố tại toàn còn khiêm tốn do sự thận trọng của các thẩm phán nhưng đánh giá việc này có hiệu lực.
Đang xem xét bồi thường vụ án oan 28 năm tại Điện Biên
ĐBQH Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) chất vấn Chánh án TAND Tối cao về kỳ án 3 mẹ con 28 năm mang án oan giết chồng, giết cha dưới chân đèo Pha Đin (Điện Biên).
Theo bị ĐB tỉnh Quảng Nam, vừa qua, dư luận bức xúc trước vụ án làm oan nghiêm trọng cho 3 người trong cùng một gia đình tại Tuần Giáo - Điện Biên. Bà Đặng Thị Nga (80 tuổi) và 2 con trai là Trịnh Công Hiếu và Trịnh Huy Dương đã bị kết án về tội giết chồng, giết cha. Cả 3 mẹ con cùng rơi vào vòng lao lý sau 28 năm. Không chịu được nỗi oan ức, người con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiếu đã qua đời, mang theo nỗi oan về tội giết cha.
Ngày 24/10 vừa qua, cơ quan tố tụng Điện Biên xác định vụ án bị oan, tiến hành tổ chức xin lỗi công khai gia đình người bị oan, hậu quả để lại cho gia đình người bị oan là rất lớn. “Đề nghị Chánh an cho biết trách nhiệm gây oan thuộc về cơ quan tổ chức hay cá nhân nào? Trách nhiệm xử lý ra sao?”, ĐBQH chất vấn.
Về kỳ án oan của 3 mẹ con ở Điện Biên, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhận định đây là vụ án rất đáng tiếc, xảy ra từ rất lâu rồi, đến nay đã 28 năm và có người đã chết. Ông kể, khi có ĐBQH chuyển cho ông hồ sơ vụ án này, ông đã thấy có dấu hiệu hàm oan.
“Thực chất vụ án này, Toà án tối cao đã huỷ từ năm 2003. Huỷ xong để ở cơ quan điều tra đến giờ này không có kết luận cuối cùng. Khi các ĐBQH chuyển thông tin cho tôi kiểm tra, tôi căn cứ vào biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu, nguyên nhân cái chết là vỡ sọ. Yêu cầu của TAND tối cao khám nghiệm lần 2 thì hộp sọ còn nguyên. Trong thời gian ngắn, chúng tôi khẳng định đây là vụ án oan nên đã đình chỉ vụ án và tiến hành xin lỗi gia đình”, Chánh án Toà tối cao thông tin.
Công việc tiếp theo, ông nói đó là bồi thường cho người bị oan, việc này đang được tiến hành theo quy định.
Về câu chuyện trách nhiệm mà ĐBQH đề cập, ông cho rằng chắc chắn sẽ có xử lý trách nhiệm. “Việc này trước hết là 3 cơ quan tiến hành tố tụng ở Điện Biên phải xem lại hồ sơ, kiểm điểm và xử lý theo quy định ở cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử”, ông nói.