Luật Quản lý nợ công 2017 siết chặt hơn việc cho vay lại - Ảnh: Internet |
Trao đổi với báo chí về việc cho vay lại các nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài được quy định tại Nghị định 97/2018/NĐ vừa được Chính phủ ban hành, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết luật Quản lý nợ công 2009 có những hình thức cho vay như: cho vay đến dự án thông qua các ngân hàng là trung gian làm dịch vụ được cơ quan ủy quyền; cho vay theo chương trình, tức là Nhà nước huy động về và cho các ngân hàng vay lại để ngân hàng cho vay đến người sử dụng cuối cùng là dự án.
Luật này cho vay theo chương trình vì hầu hết huy động vốn vay ODA với điều kiện dài, lãi suất thấp qua hệ thống ngân hàng cho các dự án của nền kinh tế được hưởng ưu đãi nhất định hoặc tạo cơ hội cho các dự án tiếp cận ngồn vốn. Tuy nhiên theo ông Trương Hùng Long, hiện Việt Nam đã tốt nghiệp IDA (nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế của Ngân hàng Thế giới) và các khoản vay đều tiến sát thị trường, nên ở chừng mực nào đó trong các khoản vay lãi suất thả nổi thì trong dài hạn việc ưu đãi sẽ không còn là vĩnh viễn. Như vậy khả năng Nhà nước lo cho toàn bộ nền kinh tế thông qua cung cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, theo đó các khu vực dịch vụ tài chính gồm cả khu vực ngân hàng được "cởi mở". Nếu tiếp tục cung cấp nguồn vốn từ phía Nhà nước cho các ngân hàng thương mại trong nước để họ cho vay theo thị trường sẽ tạo xung đột với các quy định, tạo ra sự bất bình đẳng với các ngân hàng khác trong nước và nước ngoài.
Trong luật Quản lý nợ công 2009 và Nghị định 78/2010/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định cho vay lại. Tuy nhiên, ông Long cho rằng quy định cho vay lại với các tổ chức, các dự án thông qua ngân hàng, chủ yếu thực hiện theo hình thức Nhà nước chịu rủi ro. Theo thống kê trong 10 năm từ 2005-2015 có 45 tỉ USD đã được huy động (trong đó cho vay lại 15 tỉ USD, 30 tỉ USD là cấp phát). Con số 15 tỉ USD gần như là Nhà nước chịu rủi ro tín dụng.
"Chúng ta cho vay bằng ngoại tệ thì cơ bản có thể trả nợ bằng tiền Việt Nam và Nhà nước chịu rủi ro tỷ giá. Thời điểm đó, các ngân hàng làm nhiệm vụ ủy quyền chỉ mỗi việc giải ngân, ngân hàng thu nợ và được hưởng phí nhưng lại không chịu rủi ro", ông Long nói
Trước tình hình trên, luật Quản lý nợ công 2017 siết chặt hơn việc cho vay lại, cụ thể là phân loại ra theo hướng Nhà nước chỉ chịu rủi ro đối với các đối tượng chương trình cần ưu tiên của Chính phủ. Việc cho vay này thông qua hệ thống ngân hàng chính sách của Nhà nước.
Còn với ngân hàng thương mại thì thực hiện theo nguyên tắc thị trường, tức là cho vay và yêu cầu các ngân hàng phải chịu rủi ro. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng ứng xử với các dự án giống như nguồn của ngân hàng huy động đem cho vay. NHTM có quyền giải ngân, kiểm soát các khoản giải ngân, tài sản đảm bảo, quyền trích các khoản nợ, các dự phòng rủi ro và ứng xử như các khoản của ngân hàng.
Ngoài ra, các điều kiện liên quan đến tín dụng từ đánh giá, thẩm định dự án ban đầu, đến giải ngân, thu nợ, kiểm soát tài sản đảm bảo, xử lý rủi ro dự án thì ngân hàng thương mại trực tiếp giải ngân khoản vay đó và có quyền thực hiện, tức là sẽ tiến sát hơn với các nguyên tắc tín dụng để đến lúc nào đó khi chúng ta không còn khoản vay ưu đãi nữa, sẽ chuyển hoàn toàn sang khoản vay thị trường, khi đó ngân hàng ứng xử với các dự án này cũng như các nguyên tắc tín dụng bình thường.
Theo đó, ông Long khuyến cáo các đơn vị được cho vay lại cần lưu ý đến tính chất của khoản vay và cơ chế kiểm soát của Chính phủ. Bởi tính chất của khoản vay mang tính thương mại nhiều hơn, sát thị trường hơn, như vậy việc tính toán khả năng hoàn trả, hiệu quả, rủi ro thì các chủ dự án hay cơ quan đi vay phải thận trọng bởi nó khác với các khoản vay trước đây có thời gian dài, lãi thấp.
Bên cạnh đó, luật mới quy định rõ ngay từ khâu đề xuất danh mục dự án thì các bộ, ngành, địa phương phải tính toán được các yếu tố tài chính để gửi Bộ Tài chính đánh giá tính ưu đãi khoản vay, tác động nợ công, cơ chế tài chính của khoản vay đó, nhà nước cấp phát bao nhiêu hay cho vay lại 100%...
Đặc biệt cần lưu ý đến từng dự án liên quan đến từng nhóm đối tượng, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp, ngoài dự án còn phải chịu sự điều chỉnh của luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công từ kế hoạch, trung hạn, hàng năm, bội chi ngân sách trung ương và địa phương, hạn mức nợ...
Với các yêu cầu về tín dụng với khoản vay siết chặt hơn và tiến sát nguyên lý tín dụng nên khi vay phải tính toán kỹ. Các địa phương khi làm kế hoạch ngân sách 2019 phải lưu ý đến việc xây dựng kế hoạch giải ngân của các khoản vay nước ngoài. Vì kế hoạch vay nước ngoài gắn liền với bội chi địa phương. Số bội chi này sẽ được cấu phần trong nợ của địa phương khi được thông qua.