Tòa ra phán quyết với vụ sinh viên gốc Việt tự tử ở đại học Mỹ 9 năm trước

Admin
Tòa án bang Massachusetts phán quyết trường đại học hàng đầu Mỹ không \"tắc trách\" trong vụ một sinh viên cao học gốc Việt tự tử năm 2009.

 Viện công nghệ Massachusetts (MIT) tại thành phố Cambridge, hạt Middlesex, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AP.

Thẩm phán phiên tòa ngày 8/5 tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ ra phán quyết Viện công nghệ Massachusetts (MIT), trường đại học hàng đầu về công nghệ của Mỹ từng 6 năm liên tiếp được xếp hạng là đại học tốt nhất thế giới, không phải chịu trách nhiệm trong vụ nghiên cứu sinh tiến sĩ gốc Việt Han Nguyen nhảy lầu tự tử 9 năm trước, Reuters đưa tin.

Vào ngày 2/6/2009, Han Nguyen, nghiên cứu sinh ngành marketing của Trường Quản trị Sloan thuộc MIT, leo lên nóc một tòa nhà thí nghiệm rồi nhảy xuống. Hai năm sau, người cha, ông Dzung Duy Nguyen, đâm đơn kiện MIT, hai giáo sư của trường Sloan và một trợ lý trưởng khoa của MIT với cáo buộc tác trách gây ra cái chết của con trai.

Luật sư đại diện cho cha của nạn nhân cho rằng MIT biết Han Nguyen có nguy cơ tự tử nhưng không có biện pháp ngăn chặn cái chết của chàng trai 25 tuổi. Theo gia đình nạn nhân, vài năm trước vụ tự tử, Nguyen đã phải tư vấn sức khỏe tâm thần với 9 chuyên gia và có tiền sử về bệnh trầm cảm, từng hai lần tự tử bất thành.

Nguyen bắt đầu nhờ đến sự giúp đỡ của nhà trường vào năm 2007 khi vật lộn với các kỳ thi. Nguyen cho rằng những khó khăn trong học tập khiến mình bị mất ngủ. Nhà trường đã giới thiệu Nguyen đến nhiều dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Và trong một vài cuộc tư vấn tâm lý với chuyên gia của trường, Nguyen đã đề cập đến tiền sử bệnh nhưng cuối cùng anh từ chối điều trị.

Theo hồ sơ của tòa án, hai giáo sư, Birger Wernerfelt và Drazen Prelec, thậm chí có biện pháp giảm áp lực cho Nguyen bằng cách kéo dài thời gian làm bài thi và nhờ các giáo sư khác chấm điểm "nới tay" cho anh. Họ còn kiên trì thuyết phục Nguyen bỏ chương trình tiến sĩ và quay lại chương trình thạc sĩ.

Vào ngày xảy ra vụ tự tử, giáo sư Wernerfelt mắng Nguyen qua điện thoại về bức thư điện tử mà anh này đã gửi cho giám sát dự án tại phòng thí nghiệm, trong đó Nguyen trách cứ người này là đã nghi ngờ khả năng của mình. Sau cuộc điện thoại, Nguyen đi bộ lên nóc tòa nhà và nhảy xuống.

Phán quyết dài 44 trang của Tòa án Tư pháp Tối cao bang cho rằng mặc dù các trường đại học chịu trách nhiệm phần nào trong việc bảo vệ các sinh viên, "các trường không phải chịu trách nhiệm giám sát và kiểm soát mọi mặt đời sống của sinh viên".

"Nguyen chưa bao giờ thể hiện bằng lời nói hoặc hành động với bất cứ nhân viên nào của MIT rằng anh ta có ý định hay kế hoạch tự tử", tòa án nói. "Không có bằng chứng cho thấy giáo sư Wernerfelt và Prelec biết về kế hoạch hay ý định tự tử của Nguyen. Nguyen nói với các giáo sư về vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến mất ngủ và kỳ thi, nhưng không chia sẻ về việc tự tử".

18 trường đại học của Mỹ, bao gồm Harvard, đã khiếu nại rằng một phán quyết buộc tội MIT sẽ đặt ra một áp lực vô lý lên nhân viên và giáo viên, những người không có kiến thức chuyên môn về y tế. Luật sư đại diện bên nguyên tuyên bố gia đình nạn nhân thất vọng với phán quyết của tòa. Tuy nhiên, vụ kiện sẽ khiến các trường có ý thức bảo vệ sinh viên hơn.