Tôi có bầu trước khi cưới, mẹ chồng muốn rước dâu vào nhà bằng cửa sau vì sợ xúi quẩy

Admin
Dù nhà anh giàu có, dù nhà tôi so với anh nghèo khó hơn rất nhiều, nhưng tôi tin tình yêu anh dành cho tôi là thật. Nếu không phải vì yêu, chắc chắn một chàng trai thành phố, có gia cảnh, điều kiện tốt như anh sẽ không chọn một cô gái xuất thân từ nông thôn, cha mẹ ốm đau bệnh tật như tôi để lấy làm vợ. Đó là lý do khiến tôi gạt bỏ những mặc cảm tự ti của bản thân mình để đến với anh.

 Ảnh minh họa: GettyImages.

Bản thân tôi không quá xinh đẹp nhưng ngoại hình cũng dễ nhìn. Ngày xưa mẹ tôi là gái lỡ thì, thương bố tôi mù lòa nên lấy. Dù khó khăn, nhưng nhờ có sự trợ giúp của hai bên họ hàng, hai chị em tôi vẫn được cha mẹ cho học hết Đại học. Ra trường, hai chị em đều ở lại thủ đô lập nghiệp. Từ công việc mà tôi gặp gỡ, quen biết rồi yêu anh.

Hồi anh mới theo đuổi, tôi nghe người ta nói anh con nhà quan chức, tôi đã có chút dè chừng. Tôi sợ anh tán tỉnh tôi chỉ là đùa vui. Quen nhau lâu tôi nhận ra anh là chàng trai nghiêm túc trong chuyện tình cảm. Anh nói anh yêu cái vẻ quê có chút mộc mạc của tôi, vì thực ra anh cũng gốc ở quê, anh cảm nhận được điều đó.

Yêu nhau mấy tháng thì anh dắt tôi về nhà. Nhìn cách bố mẹ anh tiếp đón tôi, trông có vẻ lịch sự nhưng không mấy mặn mà hứng khởi. Anh cũng nói bố mẹ anh vốn không tán thành hôn sự này, vì họ muốn mai mối cho anh một vài đám con nhà thân quen khác.

Sau lần gặp mặt đó không lâu, tôi phát hiện mình có thai. Anh vui mừng nói bố mẹ anh giờ có muốn phản đối cũng không được. Một hôm, trong lúc tôi đến nhà, mẹ anh nói nhỏ với tôi “Nếu không phải cháu mang thai thì chuyện kết hôn chắc không diễn ra. Bác luôn mong nó có thể cưới được một người môn đăng hộ đối cho dễ cư xử. Nhưng thôi, giờ nói cũng không còn tác dụng gì. Bác hy vọng cháu không làm bác thất vọng”.

Tôi không biết mẹ anh hi vọng gì ở tôi mà không muốn thất vọng. Sau đợt bố mẹ anh về quê tôi xin hỏi cưới. Nhìn mái nhà cũ thấp, người bố mù lòa ngồi vót tăm và mẹ tôi chậm chạp yếu ớt, họ còn tỏ ra bất mãn và chán chường hơn. Tôi dám chắc nếu không phải vì đứa cháu chắc họ không đời nào cho anh cưới tôi. Họ còn bóng gió rằng, có khi nào là do tôi “bẫy” con trai họ.

Tôi nghĩ là họ sống trong giàu có nên nhất thời không quen khi thấy thông gia nghèo khó. Sau này làm dâu, tôi nhất định sẽ sống tốt để họ vui lòng. Thế nhưng từ khi đặt vấn đề cưới xin, bố mẹ anh đã hai lần dời ngày cưới. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã hai lần phải thay đổi thiệp mời.

Lần đầu tiên, thiệp đã in xong rồi, mẹ anh nói “xem lại mới thấy ngày đó trùng ngày mất của cụ kị gì đó trong nhà nên phải dời ngày”. Lần thứ hai, thiệp đặt in chưa kịp lấy về thì mẹ anh đã lại bảo mới đi xem ông thầy khác, chọn được ngày đẹp hơn. Và lần mới đây nhất, khi thiệp mời sắp được phát đi, trong bữa cơm cuối tuần, mẹ anh nói vào ngày rước dâu, vì tôi có bầu trước nên phải đi vào nhà bằng cửa sau chứ không được đón vào từ cửa chính. Mẹ anh nói đó là tục lệ có từ thời xưa. Còn nếu muốn vào cửa chính thì cô dâu phải bước qua một cái chậu đựng bồ kết nướng trên than hồng. Việc làm này có nghĩa xua đi điều xui xẻo vì quan niệm phụ nữ mang bầu vào bằng chính môn thì nhà trai sẽ làm ăn không phát đạt, có khi còn tán gia bại sản.

Chính vì điều này mà anh và mẹ anh to tiếng với nhau. Anh nói “chuyện cưới xin là chuyện vui, chuyện mang bầu cũng là chuyện vui sao lại gọi là xui xẻo. Quan niệm cũng có cái đúng cái sai. Chúng con yêu nhau đàng hoàng, cưới xin cũng phải đàng hoàng, sao cô ấy lại phải vào nhà bằng cửa sau. Như vậy là không công bằng cho cô ấy”.

Yêu nhau bao lâu, tôi chưa từng thấy anh ấy nổi nóng như vậy, sợ làm mẹ anh phật ý, tôi kéo tay anh ngồi xuống. Thế nhưng mẹ anh cũng không vừa liền nói rằng anh lấy tôi, đối với gia đình anh đã là điều xui xẻo. Nhìn gia cảnh nhà tôi, đã biết trước mười phần sau này anh phải vất vả cưu mang nhà vợ. Bố mẹ thì già yếu bệnh tật, nhà lại không có con trai. Sau này chẳng dựa vào con gái con rể thì ai. Bà còn nói anh “cá không ăn muối cá ươn”. Bà vừa dứt câu anh đã kéo tay tôi ra khỏi nhà.

Tôi thực không ngờ mọi chuyện căng thẳng đến mức ấy. Việc mẹ anh dời đi dời lại ngày cưới đã khiến tôi khó chịu rồi, giờ thì bà ấy còn không còn chút ngại ngùng nào mà nói ra những lời cay đắng ấy. Nếu không phải vì anh ấy nổi nóng quá như vậy, vì con, tôi sẵn sáng chấp nhận vào nhà chồng bằng cửa sau.

Giờ thì sao? Anh hỏi tôi không cưới có được không, trước mắt chúng tôi sẽ thuê trọ sống chung mà không cần đám cưới. Tự chúng tôi sẽ lo toan cho cuộc sống của mình mà không nhờ cậy gì vào gia đình anh hết.

Anh nói thì hay đấy, nhưng tôi chỉ lo, giờ đang yêu thì vậy, sau này cuộc sống lỡ khó khăn, anh lại vốn đã quen sung sướng đủ đầy liệu có nản lòng mà buông bỏ. Không cưới hỏi, không đón rước, tôi rốt cuộc chỉ là một đứa con dâu vô thừa nhận với nhà chồng. Lúc canh không ngọt cơm không lành, anh có lấy chuyện này ra mà đổ tội vì tôi mà anh khổ?

Hơn nữa, dù cay đắng tôi vẫn muốn được danh chính ngôn thuận được nhà anh đón rước về. Đó là sĩ diện con gái của tôi, là thể diện của bố mẹ tôi. Nếu bố mẹ biết chỉ vì mình mà tôi bị nhà chồng khinh khi thế này chắc họ đau lòng lắm. Không được nhà chồng chấp nhận, không đám cưới, không xe hoa, chẳng phải là phí uổng một đời con gái hay sao?