Giáo dục

Tôi là 'nạn nhân' của dạy thêm

"Tôi cố gắng tham gia tất cả chương trình học nhà trường đề ra, bắt đầu bằng học phụ đạo. Nhưng chương trình học phụ đạo cũng giống như những gì học trên lớp và tôi vẫn không biết gì thêm...", độc giả Nguyễn Bằng chia sẻ.

Dạy thêm là cách giúp học sinh có kiến thức tốt hơn, đặc biệt với em yếu kém có cơ hội học những gì mà trong lớp không theo kịp. Nhưng nói một cách khác học thêm vô tình đẩy những học sinh yếu tuột về phía sau và không có cơ hội quay trở lại.

Tôi hoàn toàn ủng hộ bỏ dạy thêm vì tôi từng là "nạn nhân" của việc dạy thêm. Nếu các bạn là những học sinh khá trở lên thì sẽ không bao giờ hiểu được cảm nhận và kết quả dạy thêm đối với những học sinh yếu như thế nào. Tôi từng là một học sinh kém Toán, nhưng tôi may mắn chưa quá kém để bị ở lại lớp. Cảm nhận của tôi lúc đó như bị bỏ rơi phía sau.

Tôi cố gắng tham gia tất cả chương trình học nhà trường đề ra. Bắt đầu bằng chương trình học phụ đạo, tôi tham gia không thiếu ngày nào. Nhưng chương trình học phụ đạo cũng giống như những gì học trên lớp và tôi vẫn không biết gì thêm. Sau đó nhà trường tạm ngưng học phụ đạo vì lý do nào đó. Kế tiếp nhà trường khuyến khích học nhóm theo châm ngôn "học thầy không tày học bạn".

Các bạn có thể giúp tôi giải bài Toán trong lớp nhưng các bạn tôi quá nhỏ để đảm nhận vai trò của một giáo viên để dạy tôi hiểu rõ vấn đề. Các bạn học khá trở lên từ từ bỏ nhóm vì gia đình không thấy lợi ích gì khi học với học sinh kém và sau đó thì nhóm tan rã. Sau vài tháng học nhóm tôi trở lại vị trí ban đầu vẫn không khá hơn.

Sau đó vì muốn cải thiện môn Toán tôi về xin tiền gia đình đăng ký học thêm với chồng của giáo viên chủ nhiệm dạy môn Văn. Lớp học thêm có khoảng 10 học sinh, một tuần học 2 buổi, trong lớp thầy giáo đưa ra một bài toán và một học sinh tự nguyện lên giải bài, sau đó thầy giáo giải thích và sửa những chỗ sai. Nhiệm vụ của tôi rất đơn giản là chép toàn bộ câu trả lời mặc dù chẳng hiểu gì. Và thật là kỳ diệu khi những câu hỏi toán trong các bài thi đều không khác biệt so với bài giải ở lớp học thêm.

Và một điều kỳ diệu hơn là tôi thành học sinh tiên tiến của năm học đó mặc dù khả năng hiểu biết toàn không thay đổi. Tức là thành tích thì tốt hơn nhưng chất lượng vẫn như cũ. Năm học tiếp theo tôi vẫn rơi vào khủng hoảng toán như những năm trước. Thậm chí tới năm học lớp 10 tôi không thể dùng phép chia phân số để giải một bài toán vật lý. Và cứ mỗi khi vào tiết học toán là tôi ngủ gật hoặc viện mọi lý do để ra ngoài.

Bạn bè, thầy cô thậm chí gia đình lúc nào cũng nghĩ rằng vì tôi ham chơi lười học toán nên mới bị kém như vậy. Nhưng mọi người không nghĩ ngược lại là vì tôi bị kém nên mới trốn tiết học bởi nó thật là kinh khủng khi phải ngồi như một hình nộm suốt tiết học. Từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, các bạn cứ tưởng tượng xem tôi phải chịu đựng biết bao năm.

Vậy lý do tại sao tôi lại học kém trong khi những bạn khác thì không? Vấn đề bắt đầu những năm học cấp 1, có vài bạn thông minh hơn chỉ tới đâu hiểu tới đó và không ít bạn được sự trợ giúp từ gia đình tốt hơn thì có được kết quả tốt hơn. Nhưng đối với những học sinh kém hơn như tôi trong lớp không ít. Nếu học tốt hơn tí xíu thì đạt trung bình cho lên lớp. Nhưng khi lên lớp kế tiếp thì chương trình toán cao hơn, những học sinh trung bình sẽ tự nhiên trở thành yếu.

Và nếu là yếu thì ở lại nhưng mục đích ở lại để làm gì? Để học đúng với khả năng? Tất nhiên là không vì khả năng của họ là đang yếu, cho dù ở lại vài năm thì vẫn là yếu, và có bao giờ chúng ta thấy một học sinh yếu ở lại sang năm trở thành học sinh giỏi chưa? Nếu là lưu ban là một hình phạt thì chúng tôi quá nhỏ để gánh chịu nó, thay vào đó chúng tôi cần sự giúp đỡ từ những người có trách nhiệm lớn hơn.

Sau này tôi định cư sang Mỹ và thi vào trường đại học. Ở đây không thi tuyển như Việt Nam, bài thi để kiểm tra khả năng mình tới đâu và họ xếp mình vào đúng trình độ mình có. Và tôi được xếp vào lớp toán trình độ khoảng lớp 6 ở Việt Nam. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi được trả về giá trị thực của mình, và dĩ nhiên tôi không còn trở thành hình nộm như ngày nào. Một điều bổ ích khi tôi học ở Mỹ là nếu có vấn đề gì tôi sẽ hỏi những người giúp đỡ tại trường sau giờ học mà không phải tốn tiền.

Họ sẽ không làm bài giùm bạn, thay vào đó sẵn sàng ngồi hàng giờ để giải thích vấn đề cho tôi hiểu. Và sau 6 năm tôi đã tốt nghiệp, niềm mơ ước mà tôi sẽ không bao giờ đạt được nếu còn ở lại Việt Nam.

Hai vấn đề chính tôi muốn chia sẻ là loại bỏ quy định lưu ban, vì nó chẳng giúp ích gì cho học sinh cả. Thậm chí lưu ban vô tình khiến các em bị mặc cảm hơn và sẽ xảy ra tình trạng đứa lớn ăn hiếp đứa bé, điều này tôi đã bị khi học chung với các bạn lưu ban. Và cũng thật phi lý bắt buộc các em phải học lại những môn học mà các em đã học tốt trước đó. Nếu kém môn nào thì học lại môn đó và kiểm tra kiến thức thật sự.

Ví dụ các em yếu toán thì trong giờ học toán sẽ được học kèm riêng và có thể các em quay lại vào ban đêm học tiếp. Học tới khi nào theo kịp chương trình trong lớp thì sẽ trả về. Ngoài lợi ích tăng thêm thu nhập cho giáo viên dạy thêm thì học thêm không mang lợi ích gì nhiều cho học sinh. Học thêm chẳng khác gì mua bán điểm hợp pháp.

Tác giả bài viết: Nguyễn Bằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP