TPHCM ngập “không lối thoát”, cử tri chất vấn lãnh đạo về dự án 10.000 tỷ đồng

Admin
Theo cử tri quận 4 (TPHCM), hệ thống cống thoát nước vốn lạc hậu không đảm bảo thoát nước trong điều kiện bình thường chứ đừng nói trong cơn bão số 9 vừa qua. Trong khi đó, dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng “đắp chiếu” nửa năm qua mà thành phố không tích cực giải quyết.

Chiều 28/11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và tổ Đại biểu HĐND TPHCM đã tiếp xúc cử tri quận 4.

Tại đây, nhiều cử tri bức xúc về tình trạng ngập nước trầm trọng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong cơn bão số 9 gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc của người dân.

 Cử tri chất vấn Đại biểu HĐND TPHCM về việc dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng bị "đắp chiếu" hơn nửa năm qua

Cử tri Nguyễn Thị Đào (phường 12) cho biết, dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng được khởi công từ giữa năm 2016. Đầu tháng 5, nhà đầu tư cho biết dự án đạt khoảng 70% khối lượng công việc nhưng tạm dừng thi công vì bị ngân hàng ngưng giải ngân vốn.

Theo bà Đào, quận 4 chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường do gần kênh Bến Nghé. Do đó, việc ngưng thi công dự án ảnh hưởng đến đời sống người dân,.

“UBND TPHCM có chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết hay không? Đề nghị tổ đại biểu thông tin thêm biện pháp để dự án sớm tái khởi động phục vụ đời sống người dân”, bà Đào nói.

Trong khi đó, cử tri Đinh Văn Tiến (phường 10) phản ánh tình trạng biến đổi khí hậu đã làm hệ thống cống thoát nước của thành phố lạc hậu, không thể đáp ứng việc thoát nước trong điều kiện mưa bình thường, chứ đừng nói là trong cơn bão số 9 vừa qua. Ngoài ra, ông cũng bức xúc vì một số tuyến đường có hố ga cao hơn mặt đường khiến nước không thể thoát được.

Theo ông Tiến, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ngưng thi công do mâu thuẫn giữa tư vấn giám sát hợp đồng và nhà đầu tư. Vì vậy, thành phố phải vào cuộc giải quyết để dự án sớm triển khai và hoàn thành, phục vụ người dân.

 Sài Gòn ngập nghiêm trọng trong đợt bão số 9 vừa qua. (Ảnh: Đình Thảo)

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND quận 4 Trần Hoàng Quân cho biết, đối với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, địa phương có hai hạng mục lớn là cống Tân Thuận và Cống Bến Nghé. Theo kế hoạch, nhà đầu tư (tập đoàn Trung Nam) cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 9. Tuy nhiên do khó khăn về việc giải ngân vốn nên việc thi công đã ngưng từ cuối tháng 4.

Cũng theo ông Quân, nếu dự án chống ngập này hoàn thành sẽ kiểm soát triều, giải quyết ngập cho toàn quận 4. Trong thời gian chờ dự án hoàn thành, Trung tâm chống ngập TP bố trí 2 hệ thống bơm để bơm nước ra kênh khi ngập.

Lắng nghe ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, lãnh đạo TPHCM đang tập trung giải quyết nhiều vụ việc lớn như vụ Thủ Thiêm (quận 2), Safari (huyện Củ Chi), Khu Công Nghệ Cao (quận 9) nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Theo ông, cơn mưa hình thành trong bão số 9 vừa qua có vũ lượng lớn nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại nặng nề.

Trong khi đó, công tác chống ngập này càng khó khăn, phức tạp do tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mặt đất bị lún; kênh rạch, hố ga, cửa xả bị lấn chiếm; tình trạng xả rác bừa bãi xuống cống gây tắc nghẽn dòng chảy.

Ngoài ra, hệ thống cống thoát nước nhiều nơi đã lạc hậu, xuống cấp, chẳng hạn như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

 Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng "đắp chiếu" gây thiệt hại từ 17-20 tỷ đồng mỗi tháng cho nhà đầu tư, khoảng 6,5 triệu người dân chưa được hưởng lợi từ dự án

Về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết đây là dự án trọng điểm. Thành phố ký hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) với nhà đầu tư.

Theo đó, nhà đầu tư ứng vốn trước xây dựng công trình, Nhà nước giám sát, kiểm toán, nghiệm thu và hoàn trả bằng tiền và quỹ đất. Hiện, dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, UBND TP phải ký xác nhận thì ngân hàng BIDV mới giải ngân vốn cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.

Theo ông Tuyến, nhà đầu tư điều chỉnh thiết kế đã được phê duyệt nên Thành phố chưa ký xác nhận được, thủ tục giải ngân bị trục trặc. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn đang triển khai bình thường.

“Chúng ta là cơ quan Nhà nước, việc xác nhận phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước. Phải điều chỉnh thiết kế như thế nào thì nhà nước mới ký xác nhận. Đây là vấn đề phối hợp giữa các bên với nhau”, ông Tuyến nói.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết đã bàn với nhà đầu tư để tìm hướng tháo gỡ vướng mắc. “Chẳng hạn như nhà đầu tư đã thay đổi thiết kế rồi, thành phố sẽ thuê tư vấn độc lập đánh giá xem có đảm bảo chất lượng, an toàn công trình hay không và nếu đạt thì mình sẽ tính toán theo giá thực tế sau khi đã điều chỉnh” – ông Tuyến cho biết trong một thời gian ngắn nữa dự án sẽ tái khởi động.