Tránh học tủ, đoán mò trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Cao Hiếu
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề thi minh họa tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Nhiều giáo viên đánh giá đề thi minh họa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, vận dụng kiến thức và tránh được việc học tủ.

Tránh tình trạng chép văn mẫu, học tủ

Trong đề thi minh họa tốt nghiệp THPT, nhiều giáo viên và học sinh quan tâm cách ra đề môn Ngữ văn. Một số giáo viên cho biết, đề minh họa có cấu trúc hai phần, gần tương đồng với đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây. Sự khác biệt ở tỉ lệ điểm cho từng phần, phần đọc hiểu tăng từ 3 điểm lên 4 điểm; phần viết gồm đoạn văn và bài văn giảm từ 7 điểm xuống còn 6 điểm. Sự điều chỉnh này đúng với mục đích yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

thi-tot-nghiep-thpt-2025-1704427817.jpg


Năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP. Thủ Đức) cho hay, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là có 2 kiểu đề, cụ thể phần đọc hiểu có thể là văn bản nghị luận, phần viết đoạn văn có thể là nghị luận xã hội, phần viết văn bản, thí sinh sẽ được ra đề viết Nghị luận văn học và kiểu đề thứ 2 sẽ ngược lại. Với yêu cầu này, giáo viên cần dạy cho học sinh kĩ năng viết đoạn và kĩ năng viết văn bản, cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Ngoài ra, đề minh họa sử dụng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho phần đọc hiểu và viết, khắc phục được tình trạng học văn mẫu, học tủ, đoán đề…Từ đó có thể giúp cho học sinh phát huy được năng lực đọc và khả năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cô Thu Phương cho rằng đề minh hoạ với nội dung liên quan hai tác phẩm, thời gian làm bài chỉ 120 phút, yêu cầu giải quyết các vấn đề đưa ra thì sẽ hơi dài và nặng đối với học sinh, nhất là những em cảm thụ văn học chưa tốt.

“Những văn bản ngoài sách giáo khoa không những phát huy năng lực của học sinh, mà nó còn thay đổi cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh nữa. Nội dung không chỉ có gói gọn những tác phẩm trong chương trình, mà cả giáo viên và học sinh cũng tìm hiểu đọc mở rộng những tác phẩm ngoài chương trình. Từ đó cũng giúp học sinh có cơ hội để rèn luyện, kích thích văn hoá đọc và giúp cho khả năng tư duy của các em tốt hơn.”, cô Phương nói.

Hạn chế đoán mò, dùng kỹ xảo

Với các đề thi như Vật lý, Hoá học, Lịch sử…, ngoài hình thức câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn áp dụng trong nhiều năm, đề minh họa còn có thêm dạng câu hỏi trắc nghiệm chọn đúng/sai. Do đó yêu cầu học sinh phải hiểu rất sâu mới có thể làm đúng.

thi-tot-nghiep-thpt-20252-1704427843.jpg


Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ảnh: Tỷ Huỳnh)

Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên môn Hoá học trường THPT Nguyễn Hiền (Quận 11) cho biết, đề minh họa dù chỉ nằm trong chương trình lớp 10 nhưng nhìn qua đề có thể thấy được mục tiêu đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh. Nội dung đề thi phản ánh được sự tìm hiểu tự nhiên dưới góc nhìn hoá học. Các câu hỏi thiên về bản chất hoá học, không còn là những bài tập, bài toán vô lí như trước đây. Đề minh hoạ đã đi vào bản chất hoá học, ứng dụng liên hệ thực tiễn đời sống.

Ngoài ra, đề cũng có thêm dạng thức mới là trả lời đúng/sai, thí sinh phải vận dụng kiến thức và kỹ năng mới chọn được câu trả lời chính xác từng ý của câu hỏi. Đề thi còn kết hợp hình thức câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.

“Hai dạng thức này đánh giá được năng lực của học sinh ở chỗ hạn chế được đánh lụi, không dùng mẹo, kỹ xảo trắc nghiệm để loại trừ, sẽ khó hơn. Học sinh phải hiểu được bản chất hoá học mới để chọn được đáp án đúng. Đề thi phân loại được từng nhóm, phân loại từng đối tượng khác nhau mà đề thi cũ trước đây chưa làm được.”, thầy Thanh cho hay.

Với môn Ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) cho biết, đề minh hoạ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đột phá đáng ghi nhận. Việc ra đề ngày càng tiệm cận hơn với các đề thi chứng chỉ quốc tế.

“Đề minh hoạ cho thấy nội dung không chỉ đánh giá về kiến thức ngôn ngữ mà còn đánh giá vào năng lực về ngôn ngữ. Ví dụ như từ câu 16-23, học sinh phải biết cách vận dụng, làm thế nào để hiểu và sắp xếp một cách hợp lý.”, thầy Huân cho biết.

Bên cạnh đó, một số giáo viên cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung đề thi để học sinh có thể áp dụng tình huống thực tế nhiều hơn. Từ việc hiểu kiến thức có thể khuyến khích khả năng tư duy của học sinh, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế, tránh tình trạng học thuộc.