Triển khai nông nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng đang "trồng cây gì, nuôi con gì?"

Admin
UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) vừa đưa vào triển khai 2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh và xã Hòa Phú.

Đây là 2 trong số 7 mô hình sản xuất nông nghiệp được UBND TP. Đà Nẵng quy hoạch phát triển trong “Năm nông nghiệp 2017”.

Trong tháng 4/2017, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1936/QĐ-UBND phê duyệt 7 địa điểm quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hòa Vang, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư kêu gọi nhà đầu tư; giao Sở Xây dựng triển khai các thủ tục liên quan đến quy hoạch sử dụng đất tại các điểm quy hoạch.

Theo Quyết định phê duyệt, có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng rau, hoa, cây dược liệu tại xã Hòa Ninh (40 ha) và xã Hòa Phú (50 ha); 2 vùng chăn nuôi khép kín áp dụng công nghệ cao tại xã Hòa Khương (30 ha) và thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc (230 ha); 2 vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hòa Khương (20 ha) và xã Hòa Phong - Hòa Khương (20 ha); vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, tôm, cua tại xã Hòa Liên (50 ha).

 

 Mô hình sản xuất nông nghiệp theo công nghệ nhà kính tại thôn Đồng Lâm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Ảnh: Đoàn Lê

Đến thời điểm hiện tại, 2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên đã chính thức được hoàn thành và đi vào sản xuất với cùng mức kinh phí đầu tư 3,57 tỉ đồng và diện tích 01 ha. Mô hình đầu tiên chính thức hoạt động từ ngày 23/5, được xây dựng tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh.

Mô hình thứ hai hoạt động từ ngày 14/6 tại thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú. Cả 2 mô hình này chủ yếu tập trung canh tác các loại rau ăn lá và ăn quả theo phương thức trồng cá thể và thủy canh.

Các công đoạn canh tác ở cả 2 mô hình trên đều được cơ giới hóa và tự động hóa theo công nghệ nhà kính, có thể điều chỉnh được các thông số phù hợp cho cây trồng (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió…).

Từ khâu chọn lựa giống cho đến gieo hạt, sản xuất, tưới tiêu, thu hoạch đều được đảm bảo nghiêm ngặt nhằm mang lại nguồn sản phẩm sạch, cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

Đánh giá về hoạt động của các mô hình sản xuất kiểu mới, ông Nguyễn Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết: “Những mô hình này không chỉ cụ thể hóa chủ đề “Năm nông nghiệp 2017” mà còn đẩy mạnh phương án “tích tụ” ruộng đất trong nhân dân, trực tiếp giải quyết việc làm cho chính những chủ đất, giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa trong mỗi người dân”.

Tác giả: Đoàn Lê

Nguồn tin: Tạp chí Khám phá