Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp |
PGS-TS Vũ Thanh Ca - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thành viên nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên Hiệp Quốc - trao đổi với Báo Người Lao Động về việc Trung Quốc vừa âm thầm bố trí tên lửa tại Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
- Phóng viên: Xin ông đánh giá việc Trung Quốc bố trí tên lửa tại các thực thể chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt nam đã vi phạm như thế nào đến thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)?
+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Theo thông tin từ kênh truyền hình Mỹ CNBC, Trung Quốc đã bố trí trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam loại tên lửa chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B. Trung Quốc tuyên bố là hành động này của họ chỉ nhằm mục đích phòng vệ. Tuy vậy, theo quy định của luật pháp quốc tế, rõ ràng hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) được ký kết bởi Trung Quốc và các nước ASEAN.
Ở trạng thái tự nhiên, trừ Đá Chữ Thập có một tảng đá cao khoảng 1 m nổi lên ở phần đuôi phía Tây Nam, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn là các rạn san hô vòng chìm xuống dưới mặt nước khi triều cao. Như vậy, theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, chỉ có Đá Chữ Thập là đảo đá và có lãnh hải 12 hải lý, còn Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn là các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền; và do vậy các cấu trúc xây trên chúng là đảo nhân tạo, chỉ có vùng an toàn hàng hải có chiều rộng 500 m xung quanh nó. Ngoài ra, Đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam và ngay cả Việt Nam nếu muốn phòng vệ ở đây thì chỉ có thể phòng vệ trong phạm vi 12 hải lý. Vùng biển nằm ngoài phạm vi nêu trên là vùng biển quốc tế và tàu, thuyền, máy bay của các nước có quyền tự do hàng hải, hàng không. Như vậy, hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc triển khai tên lửa chống hạm có tầm bắn tới 295 hải lý và tên lửa phòng không có tầm bắn tới 160 hải lý ở 3 thực thể nêu trên.
PGS-TS Vũ Thanh Ca - Ảnh: NVCC |
DOC nêu rõ các bên ký kết sẽ tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định; tăng cường những nỗ lực xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau. Như vậy, hành động trang bị tên lửa chống hạm và phòng không của Trung Quốc đã đe dọa tự do hàng hải, hàng không, gây phức tạp và leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định tại biển Đông, làm suy giảm lòng tin giữa các thành viên DOC, và do vậy Trung Quốc đã vi phạm DOC.
Hoạt động triển khai tên lửa trên 3 cấu trúc nhân tạo nêu trên thuộc chủ quyền Việt Nam cũng vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó yêu cầu hiệp thương hữu nghị để giải quyết các vấn đề trên biển, làm cho biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực; tuân thủ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC .
- Theo đánh giá của ông, việc Trung Quốc bố trí tên lửa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thể hiện điều gì? Việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trên biển Đông (trước đó đã triển khai radar, máy bay quân sự…) ảnh hưởng thế nào tới tình hình khu vực và việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC)?
+ Trung Quốc đã không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế rằng yêu sách của Trung Quốc về các "quyền lịch sử" nằm trong "đường lưỡi bò" là không có cơ sở pháp lý. Hoạt động triển khai tên lửa của Trung Quốc tại 3 cấu trúc nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt nam nêu trên là một bước trong chiến lược vô hiệu hóa phán quyết và chiếm dần biển Đông theo chiến thuật "tằm ăn lá dâu" của Trung Quốc. Nhiều học giả đã nghĩ tới việc đây là một bước để Trung Quốc tiến tới thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông, một tính toán cực kỳ nguy hiểm cho tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho Mỹ, một quốc gia đang thực hiện các hoạt động tự do hàng hải nhằm duy trì luật pháp quốc tế ở biển Đông.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trên biển Đông đã làm gia tăng những tranh chấp quân sự giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc và đẩy khu vực tới nguy cơ chiến tranh. Đó cũng là lý do mà một đô đốc Hải quân Mỹ đã nói trước Quốc hội Mỹ rằng chỉ có chiến tranh với Mỹ mới có thể ngăn cản Trung Quốc thống trị biển Đông. Nguy cơ chiến tranh cùng với các bất an về an ninh, an toàn hàng hải, hàng không sẽ có nguy cơ ảnh hưởng toàn diện tới tất cả các nước xung quanh khu vực biển Đông.
Một yếu tố rất quan trọng trong đàm phán là các quốc gia tham gia đàm phán phải có lòng tin vào nhau. Rõ ràng là ngay cả DOC mà Trung Quốc còn vi phạm trắng trợn thì việc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC) sẽ cực kỳ khó khăn. Đàm phán COC từ trước tới nay đã cực kỳ khó khăn, nhưng sau động thái này của Trung Quốc chắc chắn sẽ khó khăn hơn.
- Mỹ và một số quốc gia khác có phản ứng ngay sau khi có thông tin Trung Quốc âm thầm triển khai tên lửa tại Trường Sa của Việt Nam, phía Mỹ nói "sẽ có những hệ quả trong ngắn hạn và dài hạn". Ông nhận định như thế nào về các phản ứng tiếp theo của các bên cũng như cộng đồng quốc tế, liệu Trung Quốc sẽ phải chịu những "hệ quả" nào về hành động này?
Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lòng tin và ảnh hưởng trong khu vực thông qua một loạt sáng kiến như dự án Vành đai và con đường hoặc Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á. Kèm theo các sáng kiến này là nguồn tiền đầu tư rất lớn của Trung Quốc. Để duy trì lòng tin và ảnh hưởng, chắc chắn Trung Quốc phải thực hiện những cam kết của mình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Hành động quân sự hóa biển Đông sẽ làm hư hại nghiêm trọng những nỗ lực và hình ảnh. Do vậy, ảnh hưởng tới chiến lược vươn lên thành cường quốc toàn cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, nó sẽ ảnh hưởng tới các thỏa thuận hiện tại và tương lai của Trung Quốc với các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Rõ ràng là Trung Quốc đang phải gánh chịu những hậu quả trước mắt và lâu dài cho hành động của mình.
Cần nhấn mạnh rằng về trình độ khoa học và công nghệ cũng như thực lực quân sự của Trung Quốc còn kém xa Mỹ, và do vậy việc quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc sẽ không thể ngăn cản Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.