Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 3. Ảnh: Reuters. |
Trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thống nhất sẽ tiến tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên, song không đề cập đến các bước cụ thể để đạt mục tiêu này, theo SCMP.
Hai bên cũng cam kết tiến tới chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong năm nay thông qua các đàm phán ba bên với Mỹ, hoặc đàm phán bốn bên bao gồm cả Trung Quốc. Trung Quốc cùng với Mỹ và Triều Tiên là các bên ký Hiệp định đình chiến năm 1953, Hàn Quốc không phải một bên ký hiệp định này.
Tuy nhiên, Zhang Liangui, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trường đảng trung ương Trung Quốc, nơi chuyên đào tạo quan chức cho đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng chính sách đối với Bình Nhưỡng trong những năm gần đây có thể khiến Bắc Kinh bị loại khỏi tiến trình hòa bình.
"Lập trường của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Bắc Kinh không phải một bên liên quan (trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên), Triều Tiên và Mỹ nên liên lạc trực tiếp với nhau. Chính vì vậy, mọi thứ bây giờ đều ngoài kiểm soát của Bắc Kinh và không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc bị loại khỏi các cuộc thảo luận", Zhang nói trong bài báo đăng hôm 29/4.
Trước đó, một nhà ngoại giao cấp cao ở Seoul từng tiết lộ cả hai miền Triều Tiên đều muốn giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với bán đảo.
Nhà sử học Shen Zhihua cũng cảnh báo ảnh hưởng của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên có thể đang suy yếu. Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Shen nói rằng Bắc Kinh sẽ không quá lạc quan về sự tiến triển, và hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong-un có thể đưa tới thỏa thuận Washington thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, đổi lại, Bình Nhưỡng phải từ bỏ các tên lửa tầm trung và tầm xa vốn bị xem là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ.
Zhang Liangui cũng cho rằng có khả năng Mỹ sẽ từ bỏ quan điểm cứng rắn của họ để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
"Bây giờ vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào 'thái độ' của Mỹ. Cơ hội để thực sự phi hạt nhân hóa chỉ đến nếu Mỹ xác định rõ ràng quan điểm và không chỉ xem trọng lợi ích của riêng họ", ông Zhang nói.
Trong khi đó, giám đốc Viện Nghiên cứu Biên giới tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh cho biết Trung Quốc nên được tham gia các cuộc đàm phán vì là một bên ký hiệp định đình chiến.
"Từ quan điểm pháp lý, nếu hiệp định đình chiến trở thành hiệp ước hòa bình thì tất cả các bên ký kết nên tham gia vào tiến trình này, đồng nghĩa với việc Trung Quốc cũng nên được ngồi vào bàn đàm phán", ông nhận xét.
Trong bài đăng trên Twitter ngày 29/4, Trump nói rằng cuộc gặp giữa ông và Kim Jong-un có thể diễn ra trong "ba hoặc bốn tuần tới". Trong khi đó, cùng ngày, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri vào tháng 5 và mời các chuyên gia, nhà báo đến chứng kiến, theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.
Ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4. Ảnh: AFP. |
Các nhà khoa học Trung Quốc nghi ngờ rằng lãnh đạo Triều Tiên đóng cửa bãi thử hạt nhân vì khu vực này không còn sử dụng được do vụ thử hạt nhân hồi tháng 9 năm ngoái gây ra hàng loạt dư chấn và khiến ngọn núi sụp đổ. Tuy nhiên, Kim Jong-un khẳng định việc bãi thử bị hỏng không ảnh hưởng đến các vụ thử nghiệm mới và đó không phải lý do Bình Nhưỡng đóng cửa bãi thử.
"Một số người cho rằng chúng tôi sẽ phá hủy bãi thử nghiệm không còn sử dụng được, nhưng vẫn còn hai đường hầm lớn đang hoạt động tốt", ông Kim nói.
Các nhà phân tích của trang 38 North thuộc Viện Mỹ - Triều ở Đại học Johns Hopkins cũng cho rằng bãi thử Punggye-ri vẫn "hoạt động đầy đủ" vì "vẫn còn hai khu vực cửa chính đủ khả năng thực hiện các vụ thử nghiệm trong tương lai nếu Bình Nhưỡng ra lệnh".
"Không có căn cứ để kết luận bãi thử hạt nhân Punggye-ri không còn khả thi cho các thử nghiệm hạt nhân tương lai", trích bài phân tích trên 38 North.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc vẫn hoài nghi tuyên bố của Kim Jong-un.
"Trong Tuyên bố Panmunjom, Triều Tiên chỉ nhấn mạnh 'phi hạt nhân hóa', không hề nói rằng sẽ hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc có thể đã hiểu quá mức về định nghĩa phi hạt nhân của Triều Tiên", Sun Xingjie, một chuyên gia về các vấn đề Hàn Quốc tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, nhận xét.