Tân Hoa Xã cho biết đề xuất này do Ban chấp hành trung ương đưa ra, theo đó sửa đổi điều 79 của hiến pháp hiện hành - quy định “Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tương đương với nhiệm kỳ của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, và sẽ không được vượt qua 2 nhiệm kỳ liên tiếp”.
Giới hạn về số nhiệm kỳ Chủ tịch nước hiện nay đã được đưa vào hiến pháp năm 1982, thay thế cho quy định về đảm nhận chức vụ này trọn đời. Theo hiến pháp hiện hành, ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, sẽ phải rời khỏi vị trí Chủ tịch nước sau 2 nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp đảm nhận cương vị này. Hiện ông sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất, và sẽ chính thức được bầu thêm một nhiệm kỳ thứ hai tại phiên họp thường niên của Đại hội nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) khai mạc vào ngày 5/3 tới.
Việc sửa đổi này được cho là sẽ giúp củng cố vị thế "nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông" của ông Tập, người hiện là tổng bí thư, chủ tịch nước kiêm chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Đồng thời, Ban chấp hành trung ương cũng đề nghị Ủy ban giám sát quốc gia Trung Quốc sẽ được giao một vị trí hiến định. Hiến pháp Trung Quốc sẽ đảm bảo chắc chắn vai trò lãnh đạo của đảng đối với đất nước, củng cố các điều khoản hiện hành về vai trò hàng đầu của Đảng Cộng sản tại Trung Quốc.
Theo nguyên tắc, mọi sửa đổi hiến pháp sẽ cần được quốc hội thông qua. Song nhiều chỉ dấu cho thấy sẽ không có gì trở ngại để đề xuất này được thông qua. Và nếu hiến pháp được sửa đổi, ông Tập Cận Bình, người bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai kể từ tháng 10 năm ngoái, sẽ có thể tiếp tục giữ cương vị đứng đầu nhà nước thêm một nhiệm kỳ nữa từ năm 2023.
Theo tờ Thời báo hoàn cầu, việc sửa đổi hiến pháp sẽ giúp cải thiện vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. “Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã có nhiều lần sửa đổi quy định về chức danh Chủ tịch nước và số nhiệm kỳ giới hạn. Trong 2 thập kỷ qua, bộ 3 chức danh lãnh đạo - gồm Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy trung ương – đã định hình và chứng tỏ hiệu quả. Việc dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch nước sẽ có thể giúp duy trì hệ thống bộ 3 lãnh đạo và cải thiện quy định về vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản và đất nước”, Thời báo hoàn cầu đã viết.
Tuy nhiên, báo này cũng nhấn mạnh, đề xuất nói trên không có nghĩa là Chủ tịch Trung Quốc sẽ nắm quyền đến hết đời: Có một sự đồng thuận rộng rãi trong và ngoài Đảng rằng kể từ sau cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã thành công và sẽ tiếp tục thành công trong việc xử lý các thay đổi quyền lực trong Đảng và nhà nước bằng luật pháp và theo đúng quy định.
Bằng việc làm rõ quy chế pháp lý của Ủy ban giám sát quốc gia Trung Quốc như một cơ quan cấp nhà nước sẽ thúc đẩy đáng kể sự giám sát toàn diện của các viên chức và thực hiện với chiến lược cải cách sâu rộng toàn diện, thực thi luật pháp và tăng cường kỷ luật Đảng. Bài báo dẫn chứng, dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Đảng Cộng sản đã trở nên hùng mạnh hơn. Từ chiến dịch chống tham nhũng đến việc tăng cường toàn diện quy định của luật pháp để để tái cấu trúc kinh tế sâu sắc, Ban chấp hành trung ương với ông Tập là hạt nhân đã vững vàng mở ra một kỷ nguyên mới cho một Trung Quốc đầy hứa hẹn.
Tờ China Daily đã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 24/2, trong phiên họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc: "Không tổ chức hay cá nhân nào có quyền vượt lên hiến pháp hay luật pháp". Tại phiên họp quan trọng này, ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hiến pháp trong việc hiện thực hóa "giấc mộng Trung Hoa" về chấn hưng dân tộc".
Quan sát từ xa những chuyển động chính trị quan trọng này của Bắc Kinh, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd nói trên tờ Financial Times: “5 năm trước tôi đã nói ông Tập Cận Bình sẽ là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Tôi đã nhầm. Ông ấy giờ đây là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông”.