Trung Quốc tự tin 'sát thủ diệt hạm' có thể đánh trúng tàu sân bay đang di chuyển

Admin
Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết tên lửa đạn đạo DF-26 có khả năng điều chỉnh quỹ đạo bay để tấn công mục tiêu cơ động.

 Phần mũi tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 của Trung Quốc. Ảnh: CCTV.

"Mạng lưới thông tin kết nối giữa vệ tinh, radar mặt đất và trên biển với radar trên tên lửa sẽ liên tục cập nhật vị trí của mục tiêu đang di chuyển, giúp hệ thống điều khiển thay đổi đường bay cho tên lửa", Global Times ngày 27/1 dẫn nhận định của một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói về tính năng của tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26.

DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được Trung Quốc ra mắt lần đầu tiên trong lễ duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2015. Truyền thông và các chuyên gia Trung Quốc sau đó gọi nó là "sát thủ tàu sân bay" và cho rằng DF-26 đủ sức đánh chìm tàu sân bay Mỹ với chỉ một phát bắn trúng đích.

Chuyên gia quân sự Song Zhongping cho rằng hệ thống điều khiển bốn hướng giống hình vây cá được bố trí đối xứng xung quanh mũi tên lửa DF-26 giúp nó tăng khả năng cơ động và điều chỉnh quỹ đạo bay để đầu đạn đánh trúng mục tiêu đang di chuyển. Cấu trúc mũi tên lửa hình nón đôi giúp DF-26 tăng tốc độ, khả năng cơ động và tàng hình, khiến nó khó bị đánh chặn, Song nói.

Lực lượng tên lửa Trung Quốc hôm 23/1 lần đầu tiên công bố video phóng thử tên lửa DF-26 trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực tây bắc nước này. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng lần phóng thử này chứng minh năng lực chống hạm của DF-26.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố tên lửa DF-26 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu đang di chuyển trên bộ và trên biển.

DF-26 được cho là có tầm bắn khoảng 4.500 km, mang theo đầu đạn 1,2-1,8 tấn, có khả năng tấn công các tàu sân bay và căn cứ hải quân Mỹ tại đảo Guam, phía tây Thái Binh Dương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây tỏ ra nghi ngờ năng lực của tên lửa DF-26 cũng như khả năng điều chỉnh hướng bay để tấn công mục tiêu di động của nó.

Giới quan sát cũng cho rằng Mỹ hoàn toàn có thể gây nhiễu, chế áp hệ thống truyền dữ liệu và vệ tinh của Trung Quốc, khiến tên lửa DF-26 mất phương hướng trong khi bay và không thể đánh trúng tàu sân bay trên biển.

"Hãy nhớ rằng Liên Xô chưa bao giờ phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) và chưa có quốc gia phương Tây nào sở hữu tên lửa tương tự", cựu tư lệnh Trung tâm Tình báo Hỗn hợp Thái Bình Dương của Mỹ Carl Schuster nói.

 Bệ phóng di động và tên lửa DF-26 trong lễ duyệt binh của quân đội Trung Quốc năm 2015. Ảnh: Xinhua.