Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm việc tại Hải Phòng

Admin
Thiết thực giám sát và nâng cao công tác thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn và quan hệ lao động tại các Khu Kinh tế. Ngày 4/3, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng. Đoàn đã đi khảo sát tình hình thực tế tại Công ty TNHH Regina Miracle International, Công ty Fuji Xerox Hải Phòng và Công ty TNHH VSIP Hải Phòng…

Cùng đi với đoàn còn có Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, về phía Hải Phòng có Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Phạm Văn Mợi cùng đại diện các ban ngành, giới chủ và tổ chức công đoàn cơ sở trong Khu Kinh tế Hải Phòng.

 Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm việc tại Hải Phòng.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành nhấn mạnh, Hải Phòng là địa phương phát triển mạnh mẽ với nhiều chỉ tiêu đạt cao, trong đó, Khu Kinh tế Hải Phòng là mũi nhọn phát triển mạnh mẽ nhất của thành phố với nhiều đóng góp cho ngân sách thành phố; việc thực hiện chính sách pháp luật về công đoàn và quan hệ lao động tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế của Hải Phòng là khá tốt trong thời gian qua. Hiện Hải Phòng có trên 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 470.000 lao động. Công đoàn thành phố đã có rất nhiều nỗ lực trong vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, phát huy hiệu quả vai trò là cầu nối giữa cấp ủy và chính quyền, người sử dụng lao động với người lao động. Ý thức chấp hành pháp luật lao động tại các DN được nâng cao rõ rệt. Tỉ lệ ký hợp đồng lao động tăng, số lao động được tham gia BHXH tăng dần từng năm, tình trạng tranh chấp lao động giảm mạnh.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động ở nhiều công đoàn cơ sở còn chưa rõ nét, hiệu quả thấp. Một số hội nghị đối thoại với người lao động còn mang tính hình thức. Số lượng thỏa ước lao động tập thể xếp loại A và B mới đạt 10%. Do không ít cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp, hưởng lương của chính doanh nghiệp và chỉ làm nhiệm vụ kiêm nhiệm nên khi cần thiết đấu tranh cho quyền lợi của người lao gặp khá nhiều khó khăn thách thức. Một số chủ doanh nghiệp cũng không tạo điều kiện và bảo đảm thời gian cho cán bộ công đoàn được hoạt động hiệu quả.

Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã có tổng kết ngắn gọn về công tác quản lý nhà nước về lao động, nhiệm vụ tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra việc thực thi chính sách, pháp luật lao động tại các doanh nghiệp được thực hiện tốt. tình trạng doanh nghiệp trốn tránh, chiếm dụng, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giảm mạnh trong thời gian qua.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các chủ doanh nghiệp trong khu kinh tế cũng cam kết người lao động được tạo điều kiện việc làm với chế độ đãi ngộ tốt nhất. Một số doanh nghiệp kiến nghị về việc điều chỉnh giờ làm thêm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường có nhiều người lao động thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế. tạo điều kiện tốt nhất đảm bảo giờ làm việc cho người lao động, cũng là đảm bảo kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp…

Kết luận buổi làm việc, bà Trương Thị Mai đánh giá việc Hải Phòng thành lập được 983 tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp tư nhân giai đoạn từ 2010 đến 2018 là một kết quả khá ấn tượng, thể hiện nỗ lực của Hải Phòng trong việc xây dựng tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục, hiện tại số đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân còn ít (chỉ chiếm 3,29% tổng số công nhân toàn thành phố), hoạt động của hòa giải viên và trọng tài lao động còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện đúng chức năng của một thiết chế trọng tài trong quan hệ lao động. Thành phố Hải Phòng cần tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về tầm quan trọng của tổ chức công đoàn, xây dựng công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh toàn diện kiến thức pháp luật, kiến thức kinh tế, đảm bảo đủ trí lực trong công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, đồng thời đồng hành với sự phát triền của doanh nghiệp.

Công tác xây dựng thỏa ước lao động là hết sức cần thiết, giúp người lao động có môi trường làm việc ổn định. Tuy nhiên để thỏa ước đó thực sự có hiệu quả, việc tăng giờ làm thêm phải đảm bảo tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu cho doanh nghiệp, đồng thời cũng tăng thu nhập đảm bảo đời sống và sức khỏe cho người lao động...