Từ chối dự án nhà máy giấy có nguy cơ gây ô nhiễm

Admin
Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng vừa có ý kiến không đồng ý về Dự án Nhà máy sản xuất giấy của Tập đoàn Giấy Cửu Long (Trung Quốc) tại KCN Nam Đình Vũ, quận Hải An, TP Hải Phòng do lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, ngày 5/7, lãnh đạo TP Hải Phòng làm việc với bà Zhang Yin, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giấy Cửu Long, trụ sở tại Quảng Đông, Trung Quốc. Tập đoàn này muốn đầu tư khoảng 800 triệu USD dự án sản xuất giấy và bột giấy tại KCN Nam Đình Vũ, công nghệ hiện đại thế giới, tiêu chuẩn công nghiệp 4.0 châu Âu. Trong đó, hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ 5 bậc, xử lý khí thải xây dựng lò hơi than cám…

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Thành phố rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và đã từng đóng cửa một nhà máy sản xuất giấy vì không bảo đảm các điều kiện về môi trường. UBND TP Hải Phòng sẽ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Sau khi đã bảo đảm các điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam thì TP Hải Phòng sẽ chỉ đạo các ngành liên quan và Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng thực hiện các thủ tục để doanh nghiệp triển khai dự án.

 KCN Nam Đình Vũ nơi dự án định đầu tư

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dự án này sau khi đi vào sản xuất sẽ thải ra rất nhiều độc tố hủy hoại môi trường, bởi giấy là ngành công nghiệp đứng đầu về gây ô nhiễm.

Được biết, từ ngày 1/1/2018, Trung Quốc cấm nhập 24 loại phế liệu, trong đó có một số loại nhựa phế thải và giấy chưa phân loại. Nếu đồng ý thực hiện dự án này, họ sẽ được nhập phế liệu giấy (theo quy định của Việt Nam, phải đáp ứng QCVN 33 đối với phế liệu giấy nhập khẩu), xử lý sơ bộ rồi xuất trở lại Trung Quốc hoặc xuất đi các nước với giá cao.

Nếu như thế, các doanh nghiệp tái chế Trung Quốc có lợi nhuận, còn hậu quả môi trường thì TP Hải Phòng phải gánh chịu. Giả sử, nếu tập đoàn này sử dụng nguyên liệu sản xuất là giấy phế liệu "đạt chuẩn môi trường" thì qua các công đoạn tẩy mực in trên giấy phế liệu, nước thải sẽ có hàm lượng POPs (chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy).

Trên thực tế, một khi Nhà máy sản xuất giấy được triển khai sẽ rất lo ngại do KCN Nam Đình Vũ nằm ở cửa ngõ ra biển lớn của miền Bắc, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường khu vực. Sau khi lãnh đạo TP Hải Phòng có ý kiến không đồng ý về dự án, người dân và dư luận rất đồng thuận và ủng hộ.