Sau chín tháng đánh vật với những buổi đến trường, các em khổ, phụ huynh khổ, thầy cô cũng chẳng sung sướng gì. Thế nên nghỉ ba tháng hè lẽ ra là quyền lợi của học sinh. Tại sao thông tin học sinh được “cởi tròng” lại khiến các bậc phụ huynh vui mừng? Tự khi nào một quyết định tưởng rất bình thường và chính đáng lại trở thành một sự kiện quan trọng?
Con út tôi từng không đi học trước lớp 1 nên lơ ngơ như gà mắc tóc, học không theo kịp các bạn trong lớp. Để rồi giờ đây cháu cũng đang học chạy, học bù để theo kịp các bạn. Con trai lớn nhà tôi (chuẩn bị bước vào lớp 8) cũng miệt mài tự nguyện học hè bao năm nay.
Chưa nói đến chuyện tốn kém tiền bạc, riêng việc học gây ức chế cho con khiến con không vui, không hào hứng khi bước vào năm học mới đủ để biết thực trạng học liên miên cả năm thật sự đáng lo ngại thế nào khi chuyện học không mang ý nghĩa của dung nạp kiến thức một cách tự nhiên nữa mà bị “cưỡng chế” buộc phải thu nhận kiến thức.
Tự bao giờ trước ngày khai giảng (5-9) hầu như học sinh buộc phải rầm rộ đến trường? Để rồi ngày khai giảng chính thức lại trở thành hình thức, học sinh chai sạn “diễn” trong ngày khai giảng. Người ta khen Sở GD-ĐT Đà Nẵng sáng suốt. Nhưng tôi nghĩ không chỉ Sở GD-ĐT Đà Nẵng mà cả ngành giáo dục nên sáng suốt như vậy.
Lẽ ra thông tin học sinh ở Đà Nẵng được nghỉ trọn vẹn ba tháng hè không có gì lạ hay to tát. Nhưng từ khi nào chuyện này trở nên lạ? Từ khi nào mọi người tỏ ra bất ngờ?
Cùng đến trường như nhau, tại sao học sinh cả nước không được vui niềm vui như học sinh ở Đà Nẵng?
Tác giả bài viết: Minh Nguyệt