Nghi phạm bị tạm giam tổn hại 31% sức khoẻ, ai chịu trách nhiệm?

Admin
Trong quá trình bị tạm giam, Tòng Văn Buốn, chàng thanh niên người Dân tộc Thái cùng gia đình nhiều lần đề nghị cơ quan Công an cho đi điều trị vì bị đứt dây thần kinh, đứt gân tay nhưng không được chấp thuận. Khi hết thời hạn tạm giam, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đưa Buốn đi giám định thì Buốn đã bị tổn hại 31% sức khoẻ.

Không được đưa đi chữa bệnh, bị can bị thương tật vĩnh viễn 31%

Viện KSND Tối cao vừa có công văn kiến nghị Giám đốc Công an tỉnh Sơn La chỉ đạo Công an huyện Thuận Châu khẩn trương khắc phục hậu quả đã gây ra tổn hại 31% sức khoẻ của bị can Tòng Văn Buốn (người dân tộc Thái, SN 1992, ngụ xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên). Tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các ông Trần Hùng Mạnh - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Thủ trưởng cơ quan Thi hành an Hình sự và Hỗ trợ tư pháp cùng các cán bộ Công an gồm: Tống Huy Hoàn, Lò Ngọc Minh, Lò Văn Uỳ, Bùi Nguyễn Minh Tùng và các cán bộ liên quan.

 Bàn tay thương tật của Buốn bị đứt gân, đứt dây thần kinh trụ tay phải không có khả năng phục hồi do không được đưa đi chữa trị kịp thời.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao), sau khi Buốn bị Công an huyện Thuận Châu ra quyết định tạm giam 3 tháng 10 ngày (từ ngày 25/6/2015 – 1/10/2015), lúc này Buốn đang là bệnh nhân điều trị ngoại trú do bị thương đứt gân, đứt dây thần kinh trụ tay phải.

Trong thời gian bị tam giam, Buốn và gia đình đã nhiều lần làm đơn xin được bảo lãnh cho Buốn để đi điều trị bệnh, tuy nhiên Công an huyện Thuận Châu không chấp nhận.

Đến sau này, khi Buốn được Viện Kiểm sát huỷ bỏ lệnh tạm giam và gia đình đưa Buốn đến viện TW Quân đội 108, để mổ cấp cứu nối dây thần kinh trụ cổ tay phải và cánh tay chưa được hồi phục nên Buốn đã có đơn đề nghị VKSND Tối cao cho đi giám định thương tật. Theo bản kết luận Giám định pháp y của Viện Pháp y Quân đội thì Buốn bị thương tật 31%.

Theo biên bản giám định của Viện Pháp y Quân đội thì với vết thương như của Buốn, thời gian khâu nối tốt nhất là ngày thứ 20 sau khi bị thương. Thời gian thuận tiện để tiến hành mổ là tuần thứ 3 đến tháng thứ 3. Quá thời hạn 3 tháng không hy vọng phục hồi vết thương thần kinh.

Trường hợp Tòng Văn Buốn bị vết thương 1/3 dưới cẳng tay phải đã được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo (Điện Biên) kể từ ngày 5/6/2015 – 9/6/2015, phẫu thuật khâu nối gân và khâu nối vết thương và đến ngày ngày 7/10/2015, mới đưa vào viện Quân y 108 để phẫu thuật khâu nối thần kinh trụ.

Như vậy thời gian không được khâu nối dây thần kinh trụ là 4 tháng. Do đó không hy vọng phục hồi được vết thương thần kinh trụ của Tòng Văn Buốn.

Theo kết luận của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, việc các cán bộ Công an huyện Thuận Châu không chấp thuận cho Buốn đi điều trị đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Vi phạm Nghị định sửa đổi bổ sung chế độ khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, tạm giam.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tòng Văn Buốn cho biết, mặc dù mang trên mình thương tật và tổn hại đến 31% sức khoẻ hơn 2 năm nay nhưng chưa bao giờ Buốn nhận được lời xin lỗi hay bồi thường bằng vật chất của cán bộ Công an huyện Thuận Châu.

Theo nguồn tin của PV Dân trí, Cục điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Sơn La, đề nghị xử lí nghiêm các cán bộ Công an liên quan đến. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Viện KSND Tối cao chưa nhận được phản hồi của Công an tỉnh Sơn La.

Vì sao Tòng Văn Buốn bị công an bắt?

Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, sáng ngày 22/6/2015, ông Nguyễn Văn Nhường khi đó là cán bộ Công an, Đội Cảnh sát hình sự - Kinh tế và Ma tuý (Công an huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), cùng tổ công tác tiến hành kiểm tra tại cửa hàng bán điện thoại di động của chị Lường Thị Quy (xã Mường Bám, huyện Thuận Châu).

Chị Quy là người nhà của Buốn. Tại đây, ông Nhường đã thu giữ 62 chiếc điện thoại của cửa hàng chị Quy.

 Tòng Văn Buốn, chàng trai người Thái bị bắt giữ về hành vi "đưa hối lộ" 5 triệu đồng và bị Toà kết tội đúng bằng thời gian Buốn bị tạm giam 3 tháng 10 ngày.

Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ số điện thoại trên, chị Quy đã gọi điện cho Tòng Văn Buốn, bảo Buốn mang hóa đơn mua bán số điện thoại để Công an kiểm tra.

Sau khi Công an kiểm tra xác định 50 chiếc điện thoại có hóa đơn chứng minh nguồn gốc và 12 chiếc điện thoại không có hóa đơn. Ông Nguyễn Văn Nhường cùng tổ công tác quyết định tạm giữ toàn bộ 62 chiếc điện thoại của gia đình chị Quy và hẹn hôm sau 23/6/2015 mang hóa đơn đến Công an huyện Thuận Châu để giải quyết.

Tuy nhiên, chiều 22/6/2015, Tòng Văn Buốn cầm 5 triệu đồng cùng số hóa đơn của 50 chiếc điện thoại đến trụ sở UBND xã Mường Bám đưa cho ông Tống Huy Hoàn là cán bộ Công an cùng tổ công tác với ông Nhường. Ông Hoàn không nhận mà hô hoán cùng ông Nguyễn Văn Nhường và các công an viên xã Mường Bám lập biên bản bắt quả tang đối với Buốn về hành vi “Đưa hối lộ”.

Sau đó, Buốn bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi trên và ra quyết định tạm giam.

Theo thông tin từ cơ quan tố tụng, ngay sau khi Buốn bị cơ quan Công an bắt giữ và quá trình Buốn bị tạm giam, gia đình Buốn đã nhiều lần gặp các cán bộ điều tra để xin bảo lãnh cho Buốn được tại ngoại, vì Buốn đang điều trị ngoại trú do đứt gân, đứt dây thần kinh trụ tay phải. Tuy nhiên cơ quan điều tra không chấp nhận.

Dân trí tiếp tục phản ánh đến bạn đọc thông tin về vụ việc này.