Tuyển dụng con Chánh án TAND tỉnh Hải Dương: Sai quy trình?

Admin
Việc xét tuyển đặc cách con trai Chánh án TAND tỉnh Hải Dương có nhiều điểm vi phạm.

 

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Vụ Công chức - Viên chức của Bộ Nội vụ cho hay, việc xét tuyển đặc cách con trai Chánh án TAND nếu chiếu theo các quy định của Nghị định 24/2010/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Thông tư 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức, có nhiều điểm vi phạm quy định.

Theo vị này, việc tổ chức thi tuyển cho con dâu ông Hân vào làm công chức cũng có nhiều điểm bất thường.

“Khi có sự việc tuyển dụng cụ thể như vậy thì tất cả đều phải thực hiện theo các quy định của pháp luật. Không có trường hợp đặc thù nào. Các trường hợp tuyển dụng không đúng quy định của Nghị định 24 và Thông tư 13 đều là sai”, vị này nói.

Trong cuộc trao đổi với Tiền Phong, Chánh án TAND tỉnh Hải Dương Đào Đình Hân thừa nhận, chính ông đã bảo con trai về làm thư ký (tòa) khi một số cán bộ trong tòa có góp ý cho ông về việc tuyển dụng nhân sự. Việc tuyển dụng con trai và con dâu, theo ông Hân, có sự ưu ái trong tuyển dụng và ông đã báo cáo lên TAND tối cao về việc xét tuyển cũng như tuyển con dâu.

Tuy nhiên, theo lời ông Hân và đối chiếu các quy định của Nghị định 24, con trai ông Hân dù có bằng thạc sĩ Luật ở Anh, nhưng không thuộc 4 nhóm đối tượng được miễn thi tuyển. Cụ thể, để tiếp nhận công chức không qua thi tuyển, cần đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức.

Theo đó, đơn vị tuyển dụng chỉ được phép xét tuyển đối với người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.

Việc xác định tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài được căn cứ vào xếp loại tại bằng tốt nghiệp. Trường hợp bằng tốt nghiệp không xếp loại, cơ quan quản lý công chức báo cáo cụ thể kết quả học tập toàn khóa và kết quả bảo vệ tốt nghiệp để Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền quản lý công chức.

Bên cạnh đó, ngay cả khi xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức vẫn phải lập hội đồng kiểm tra, sát hạch để đánh giá về các điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người ứng tuyển.

“Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có văn bản gửi Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương thống nhất ý kiến trước khi quyết định tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức vào ngành tòa án”, Nghị định 24 và Thông tư 13 quy định.

Làm rõ trách nhiệm những người liên quan

Một cán bộ ngành tòa án Hải Dương cho hay, có rất nhiều vi phạm cần làm rõ trong việc ông Đào Chính Hướng (con trai Chánh tòa Hải Dương, sinh năm 1991) khi vừa tốt nghiệp thạc sĩ Luật ở Anh chưa lâu, đến tháng 3/2016 được xét tuyển đặc cách vào làm thư ký tòa án tỉnh không qua thi xét tuyển.

Với con dâu ông Hân, bà Nguyễn Hoàng Phương tốt nghiệp Đại học Luật 2014 cho đến khi được tuyển dụng “đặc biệt lạ thường”, trước đấy không tham gia làm việc chính thức trong bất kỳ tòa án và đơn vị công tác liên quan đến ngành luật.

Theo vị này, việc ông Phó chánh án TAND tỉnh Hải Dương Mạc Minh Quang gấp rút ký quyết định tuyển dụng ông Đào Chính Hướng và thực hiện tổ chức tuyển dụng bà Phương ngay trước thời điểm TAND tối cao có Công văn số 179 ngày 13/3/2017 (yêu cầu các tòa án địa phương dừng tuyển dụng công chức để sắp xếp tinh giản bộ máy), cho thấy nhiều vấn đề về tuyển dụng công chức mà ít cán bộ trong ngành dám lên tiếng vì sợ trù dập.

“Việc ký liền 2 quyết định tuyển dụng “bất thường” con trai và con dâu của Chánh tòa Hải Dương phải chăng xuất phát từ ngày 1/7/2018 tới, ông Hân sẽ nghỉ hưu theo quy định”, vị này đặt câu hỏi.