Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2024 hơn 99%
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2024 trên cả nước đạt tới 99,4%.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 toàn quốc có hơn 1,07 triệu thí sinh tham gia với tỉ lệđỗ 99,4%. Con số này có thể sẽ còn tăng cao hơn do thí sinh vẫn còn thời gian nộp đơn phúc khảo đến hết ngày 26/7. Song, mức độ thay đổi thường không đáng kể.
Trước đó, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với hơn 1 triệu thí sinh tham gia, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trên cả nước có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong đó, có 26 thí sinh bị đình chỉ thi (9 thí sinh sử dụng tài liệu và 17 thí sinh sử dụng điện thoại di động).
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có 585 bài thi bị điểm liệt (mức điểm từ 1 trở xuống). Trong đó, điểm liệt nhiều nhất ở môn tiếng Anh, xếp thứ 2 là môn Địa lý.
Cụ thể, theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có 76 bài thi môn Toán bị điểm liệt, trong đó 14 bài thi 0 điểm.
Ở môn Văn, có 68 bài thi dính điểm liệt, trong đó 29 bài thi 0 điểm.
Ở môn tiếng Anh, có 145 bài thi bị điểm liệt, trong đó số bài thi 0 điểm là 14.
Ở môn Vật lý, có 56 bài thi bị điểm liệt, trong đó 11 bài bị 0 điểm.
Ở môn Hóa học, có 24 bài thi bị điểm liệt, trong đó 18 bài thi 0 điểm.
Ở môn Sinh học, có 56 bài thi bị điểm liệt, trong đó 42 bài thi 0 điểm.
Ở môn Lịch sử, có 33 bài thi bị điểm liệt, trong đó 19 bài thi 0 điểm.
Ở môn Địa lý, có 94 bài thi bị điểm liệt, trong đó 76 bài thi 0 điểm.
Ở môn Giáo dục công dân có 33 bài thi bị điểm liệt, trong đó 32 bài bị 0 điểm.
Đáng chú ý, tỉ lệ đỗ năm nay được xác định là cao nhất kể từ năm 2015, khi kỳ thi được đổi mới theo hướng "2 trong 1". Kết quả này sẽ sử dụng xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời là cơ sở để các đại học tuyển sinh.
Năm nay, đề thi có cấu trúc và nội dung tương tự những năm gần đây. Nhiều giáo viên, chuyên gia đánh giá đề vừa sức, giúp thí sinh dễ dàng đủ điều kiện tốt nghiệp. Do đó, tỉ lệ đỗ cao cũng đã được dự đoán từ trước.
Kể từ năm 2020, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, kỳ thi có mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, đề thi được thiết kế dễ hơn. Từ đó, tỉ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 98%.
Từ 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT được thay đổi, để phù hợp với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Số môn thi để xét tốt nghiệp chỉ còn 4 thay vì 6 như hiện nay, gồm hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn lựa chọn. Bộ cho biết đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, tăng cường tính vận dụng, thực tiễn.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2024 trên cả nước đạt tới 99,4%. Ảnh minh họa.
Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT
- Đối với học sinh THPT, điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) được tính:
ĐXTN = {(Tổng điểm 4 bài thi tốt nghiệp THPT + tổng điểm khuyến khích)/4 x 7 + điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + điểm ưu tiên.
Trong đó:
+ Tổng điểm 4 bài thi bao gồm: Toán + Văn + Anh + điểm trung bình của bài thi tổ hợp;
+ Điểm trung bình cả năm lớp 12: Được tính bằng công thức (ĐTB kỳ 1 + ĐTB kỳ 2×2)/3;
+ Điểm ưu tiên gồm: Điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực.
- Đối với học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, công thức tính ĐXTN như sau:
ĐXTN = {(Tổng điểm 3 bài thi tốt nghiệp THPT/3 + tổng điểm khuyến khích/4) x 7 + điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + điểm ưu tiên.
Trong đó, tổng điểm 3 bài thi bao gồm: Toán + Văn + điểm trung bình của bài thi tổ hợp.
Thí sinh dự thi đủ số môn, không môn nào từ 1 điểm trở xuống và tổng điểm xét từ 5 trở lên sẽ đủ điều kiện được công nhận tốt nghiệp, theo Vietnamnet.
Các mốc thời gian quan trọng
Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non, trong đó công bố chi tiết các mốc thời gian xét tuyển năm 2024.
Theo đó, chậm nhất ngày 31/5, thí sinh, trường THPT, Sở GD&ĐT rà soát kết quả điểm học bạ trên hệ thống.
Chậm nhất ngày 10/7, các trường đại học xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống, đồng thời cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.
Chậm nhất ngày 25/7, thí sinh thực hành việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, nộp lệ phí trên hệ thống.
Từ 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định.
Chậm nhất ngày 21/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm. Từ 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển (trực tuyến).
Từ 13/8 đến 17h ngày 17/8, Bộ GD&ĐT xử lý nguyện vọng trên hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (lọc ảo).
Trước 17h ngày 19/8, các trường đại học công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển đợt 1.
Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ ngày 28/8, các cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 9 đến tháng 12, các cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.